Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Chính phủ đề cập đến các chỉ tiêu cụ thể về kinh tế năm 2019, bao gồm tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6 - 6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.
Nhiều dư địa để vượt chỉ tiêu
Nhìn nhận về kết quả trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trong những năm gần đây và năm 2018, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đã và sẽ đạt được hầu hết các chỉ tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đã đề ra. Đặc biệt, giới chuyên gia giữ niềm tin cũng như hi vọng rằng, Việt Nam sẽ còn đạt được những kết quả cao hơn kỳ vọng trong năm 2019 nếu Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cùng có những bước đi và các giải pháp mang tính đột phá.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhìn nhận, liên tiếp mấy năm vừa qua, Việt Nam đã hoàn thành vượt mức kế hoạch mà Quốc hội và Chính phủ đề ra trong hoạt động xuất nhập khẩu. Đây là thành tích đáng kể, góp phần làm cho nền kinh tế tăng trưởng và phát triển tương đối vững chắc và ổn định.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) lạc quan về chỉ tiêu xuất nhập khẩu năm 2019. (Ảnh: KT)
Mặc dù nhận thấy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua còn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI, song PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh vẫn lạc quan cho rằng, các lĩnh vực xuất khẩu nông lâm thủy sản, rau củ quả những năm gần đây đã có bước tiến quan trọng.
“Mặt hàng hoa quả đã trở thành điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu khi vượt qua cả xuất khẩu lúa gạo, trở thành định hướng và là
Bức tranh xuất nhập khẩu còn nhiều điểm sạn khi xuất siêu nghiêng về phía các doanh nghiệp FDI và nhập siêu lại là các doanh nghiệp 100% vốn trong nước. Nhập siêu nghiêng về khối sản xuất công nghiệp nhưng xuất siêu lại thuộc lĩnh vực nông nghiệp, trong khi nông nghiệp lại chủ yếu xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp, xuất khẩu sản phẩm của lao động giản đơn. Việt Nam nhập siêu quá lớn từ thị trường Trung Quốc và để một số mặt hàng chủ lực phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Có sự mập mờ, tính minh bạch không cao khi xuất nhập khẩu quá nhiều qua đường tiểu ngạch, dẫn tới những hậu quả khôn lường của nền kinh tế. Khi công nghiệp hỗ trợ cho xuất khẩu chưa đủ mạnh, nếu các Hiệp định thương mại tự do có tính đến quy tắc xuất xứ và năng lực của công nghiệp hỗ trợ thì Việt Nam rất bất lợi. TS. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) |
hướng đi tốt của nông nghiệp Việt Nam. Đây là bước chuyển vô cùng quan trọng khi Việt Nam từ chỗ chỉ thuần sản xuất lúa gạo đã bước sang sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng rau củ quả, là mặt hàng có khả năng sản xuất công nghiệp dễ hơn, có thể ứng dụng đại trà các công nghệ cao vào quy trình sản xuất”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Cùng với đó, các mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam cũng có bước phát triển tương đối mạnh cả về chất và lượng, trong đó phải kể đến các mặt hàng sữa, các mặt hàng chế biến chế tạo với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng rõ nét. “Với những dư địa đã có, mục tiêu đẩy tăng trưởng xuất khẩu năm 2019 tăng từ 7 – 8% như Chính phủ đã đề ra là hoàn toàn có cơ sở để đạt được”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh lạc quan.
Khẳng định lĩnh vực xuất nhập khẩu trong những năm qua luôn là điểm sáng của nền kinh tế, TS. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) nêu rõ, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu thường gấp đôi, gấp ba tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Do đó, khi đánh giá về chỉ tiêu xuất nhập khẩu do Chính phủ đề ra cho năm 2019, TS. Phạm Tất Thắng tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được các kết quả như kỳ vọng và cho rằng, nếu Chính phủ và doanh nghiệp có cách làm đột phá từ thì kết quả còn có khả năg tăng cao hơn nữa. Nhất là khi thời gian qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt.
Khắc phục tồn tại xuất khẩu còn tăng vượt bậc
Mặc dù bày tỏ sự lạc quan với những thành tích xuất nhập khẩu trong những năm qua cũng như các năm tới, các chuyên gia vẫn đưa ra một điểm bất lợi. Và nếu khắc phục được các yếu tố này, lĩnh vực xuất nhập khẩu sẽ có bước tiến nhảy vọt, tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có của Việt Nam.
Theo TS. Phạm Tất Thắng, hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn đang bị nhiều rào cản để phát triển. Khi khối doanh nghiệp này được “cởi trói” sẽ là khu vực có đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước lâu nay không phát huy được hiệu quả “đầu tàu”, là “quả đấm thép”. “Nếu có thêm sức mạnh cho lực lượng này hướng đến sự cạnh tranh một cách song phẳng trong bối cảnh toàn cầu hóa, chắc chắn nền kinh tế Việt Nam sẽ có những bước tiến mới, nhất là khi lại có chính sách liên thông giữa hai khu vực doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước”, TS. Phạm Tất Thắng nói.
Trong lĩnh vực xuất khẩu, TS. Phạm Tất Thắng lưu ý, thời gian tới đây Việt Nam sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ và Trung Quốc. Sẽ là thảm họa nếu để Trung Quốc mượn danh Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa của họ sang Mỹ nên đây là điều cần phải cực kỳ tỉnh táo. Nếu tình trạng này xảy ra, Việt Nam sẽ bị rơi vào tình huống bị trừng phạt bởi “lẩn tránh xuất xứ hàng hóa”.
“Lâu nay hàng hóa của ta xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc và khá phụ thuộc vào thị trường này. Do đó khi chiến tranh thương mại, nhu cầu của nền kinh tế Trung Quốc giảm đi, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ khó xuất khẩu sang thị trường này. Vì thế, Việt Nam phải tìm được thị trường thay thế ngay từ bây giờ. Để tìm được thị trường mới, Việt Nam phải thay đổi cơ cấu sản xuất để có thể đáp ứng”, TS. Phạm Tất Thắng lưu ý.
Suất siêu của Việt Nam chủ yếu là các mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Đối với tỷ lệ nhập siêu của Chính phủ đưa ra trong năm 2019, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giảm nhập siêu cần có hai mốc, một là phải đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và giảm nhập khẩu. Đây là vấn đề Việt Nam cần quan tâm và mong muốn khi đưa ra mục tiêu tăng xuất khẩu lên 7-8% năm 2019 với mục đích là để Việt Nam giảm nhập siêu.
Thứ hai là Việt Nam cần nỗ lực giảm nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng để thúc đẩy hoạt động sản xuất và nâng cao chất lượng hàng hóa trong nước. Hàng hóa sản sản xuất trong nước phải thay thế được hàng nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
“Cùng với đó, cần xem xét để giảm nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vì nhiều ngành hàng đang còn phụ thuộc hàng hóa nhập khẩu từ các nước, trong đó có Trung Quốc. Đây là vấn đề cần thiết phải được quan tâm để từ đó Việt Nam có được đầu vào đa dạng hóa, không phụ thuộc vào bất kì quốc gia nào”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu rõ
Để làm được điều này, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam cần tăng cường xây dựng vùng nguyên, nhiên vật liệu trong nước thay thế cho các vật liệu nhập khẩu. Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng các nhà máy chế biến, chế tạo để tạo ra các nguyên vật liệu các sản phẩm đầu vào để dần thay thế hàng nhập khẩu./.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng đến các quốc gia trong đó có Việt Nam, bởi đây là hai thị trường có tác động rất lớn đến xuất nhập khẩu của Việt Nam và nước ta có thặng dư cán cân thương mại lớn ở hai thị trường này. Việt Nam cần phải tận dụng được cơ hội cũng như khắc phục được những bất lợi từ cuộc chiến này để đẩy mạnh sản xuất và gia tăng xuất khẩu. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) |
Theo VOV