Nhiều diện tích rừng đã bị tàn phá để lấy chỗ thiết lập các đồn điền dầu cọ. Ảnh: AFP

Giữa bối cảnh mất rừng và suy thoái đất rừng là những vấn đề lớn đối với khu vực thì tình trạng này ở Indonesia đã lên đến mức đáng báo động. Một nghiên cứu chung của Đại học Maryland, Google, Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và công cụ Theo dõi rừng toàn cầu (GFW) cho thấy, nước này đã mất hơn 227.000 km2 độ che phủ rừng từ ​​năm 2001 đến 2016, lớn hơn gấp đôi diện tích của Hàn Quốc.

Tình trạng suy giảm độ che phủ rừng trong khu vực chủ yếu là do nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên và giải phóng mặt bằng để sản xuất lương thực và các mặt hàng khác. Ví dụ, ở Indonesia, lý do chính của nạn phá rừng là chặt cây, đốt rừng để thiết lập các đồn điền dầu cọ. Thực trạng này là nguyên nhân chủ yếu gây ra các đám khói mù xuyên biên giới, tác động đến hàng triệu người trong khu vực, chủ yếu ở Indonesia, Malaysia và Singapore.

Ứng dụng công nghệ

Quản lý rừng theo thời gian thực và giám sát tình trạng mất rừng thường bị thách thức bởi thông tin không chính xác, không đầy đủ và lỗi thời. Trong bối cảnh đó, với sự cộng tác của Google, UM, USGS và NASA, nền tảng trực tuyến GFW đã phát hành một bản đồ rừng toàn cầu, chứa đựng dữ liệu quan sát trái đất lớn nhất, được cập nhật ở thời gian gần thực. Dựa trên hệ sinh thái của trái đất, bản đồ của GFW có độ phân giải đủ tốt để phát hiện ngay cả các hoạt động nông nghiệp nhỏ. Từ đó, cung cấp miễn phí các dữ liệu và công cụ để theo dõi rừng cho các tổ chức phi lợi nhuận, cũng như các cơ quan quản lý rừng và thực thi pháp luật ở các nước nhiệt đới.

Đối với ngành kinh doanh dầu cọ, mặc dù cam kết chỉ tìm nguồn cung ứng bền vững nhưng thực tế, một doanh nghiệp bình thường khó có thể làm được vậy vì việc xác minh toàn bộ chuỗi cung ứng liên quan đến hàng trăm nhà máy chế biến và rất phức tạp. Để đảm bảo dầu cọ có nguồn gốc không xuất phát từ việc phá rừng rộng rãi, nhất là ở Indonesia và Malaysia, các công ty có thể sử dụng một công cụ đánh giá rủi ro của GFW.

Công cụ này nêu bật và giải thích các điểm trong chuỗi cung ứng dầu cọ của các công ty có nhiều nguy cơ liên quan đến nạn phá rừng trong quá khứ và trong tương lai. Công cụ của GFW sử dụng dữ liệu dựa trên vệ tinh để đo lường nguy cơ mất rừng của gần 800 nhà máy dầu cọ, và danh sách các nhà máy mới thường xuyên được cập nhật thêm. Từ đó, giúp các công ty đưa ra quyết định sáng suốt về cách giảm hoặc loại bỏ việc sử dụng dầu cọ có nguồn gốc từ các khu vực rừng dễ bị phá.

Việc ứng dụng các công nghệ mới như bản đồ rừng toàn cầu cho phép tất cả các bên nêu rõ được yêu cầu của mình, đồng thời hướng tới giảm tác động của ngành sản xuất dầu cọ đối với các hệ sinh thái. Rõ ràng, đây là một cơ hội cần được nắm bắt để giảm thiểu nạn phá rừng.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ The ASEAN Post)