Cây lúa trên cửu đỉnh Huế |
Sông Lợi Nông là một dòng sông ở phía nam Kinh thành Huế, được khởi công đào từ năm Gia Long thứ 13 (1814) chạy dọc theo các cánh đồng thuộc thị xã Hương Thủy. Trong một lần tuần hạnh qua sông này, Minh Mạng đã nhắc lại ý nghĩa của việc Vua Gia Long cho đào sông Lợi Nông nhằm để tưới nước vào đồng ruộng, cho dù hạn hoặc lụt, đồng ruộng vẫn không bị hại lại làm cho kho vựa đủ đầy, là ân trạch vạn đời sau đều được may mắn không dứt. Khi nhìn thấy hai bên bờ lúa ngả vàng chín rộ, vua đã ghi lại cảm xúc của mình: Hoàng vân biến tứ dã/ Ngọc lạp mãn thiên trù/ký toại thương sương vọng/ Vô ngu kiết cứ sầu/ Dân thuần thiểu đạo tặc/ Tuế nẫm lạc âu ca (Mây vàng trải khắp bốn phía cánh đồng/ Lúa đầy tràn khắp ngàn mẫu ruộng/ Đã toại lòng mong mỏi lúa đầy kho vựa/Nỗi buồn lo nay không còn nữa/Dân thuần lương nên ít trộm cắp/ Năm được mùa dân hoan ca). Bài thơ là niềm hân hoan của nhà vua khi dân được mùa no ấm. Nước ta vốn nước nông nghiệp nên phải quan tâm đến nông vụ. Dân ấm no thì mới hạn chế được trộm cắp, nuôi dưỡng được bản tính thuần hậu của mình.
Một lần khác vua đi thị sát quanh Kinh thành, vì nghe trời thiếu mưa nhưng khi nhìn thấy lúa ven sông Lợi Nông tươi tốt, nhà vua rất đỗi vui mừng: Thời tuần cận nhĩ sấn xuân minh/ Dục lãm nông công vị nhất hành/ Kỳ ngoại tạc văn ưu vũ khuyết/ Kinh trung kim đổ hỷ hòa vinh/ Nguyệt sơ phu trạch ưu như nguyện/ Nhật hạ mông lâm lượng ủy tình (Đi tuần ven kinh thành vào lúc xuân tươi sáng/ vì muốn tận nhìn công việc của nhà nông/ Bởi còn lo vì mới nghe rằng mưa thiếu/ Nay vui thấy trong kinh lúa tươi tốt/ Đầu tháng mưa nhuần như ý nguyện/ Bấy giờ mưa tới mới yên trong lòng). Lúa là một loại cây lương thực quan trọng bậc nhất đối với dân ta. Hiểu được tầm quan trọng ấy trong quãng thời gian trị vì của mình, vua Minh Mạng đã thực hiện các chính sách khuyến nông và đã đạt được những thành tựu đáng nói. Đất đai không ngừng được khai khẩn, việc trồng lúa được phát triển mạnh, mùa màng được quan tâm, nhà vua luôn tự răn mình: “Trẫm từ khi lên nối ngôi đến nay, chăm lo chính sự, cố gắng mưu trụ không dám lãng quên, điều ấy trong ngoài đã nghe thấy, trông thấy” (trích Khâm Định Đại Nam Hội Điển sự lệ). Vài bài thơ ghi lại cảm xúc của mình khi nhà vua nhìn thấy vụ mùa tươi tốt cũng là điều có thể tin được.
Tâm tình gửi gắm qua vài dòng thơ ngự chế cho thấy, Vua Minh Mạng rất quan tâm đến việc khuyến nông và lo lắng cho dân chúng. Sông Lợi Nông là một trong những con sông đào có quy mô lớn, thể hiện cái nhìn lâu dài có lợi cho hậu thế của các vua đầu triều Nguyễn. Những bài thơ ghi lại cảm xúc khi đi qua các cánh đồng ven con sông đào này của vua Minh Mạng càng cho thấy chính sách trọng nông đã thể hiện sự đúng đắn và dòng sông Lợi Nông hôm nay vẫn còn tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình.