Cầu đi bộ lát gỗ lim hoàn thành tạo thêm sản phẩm du lịch cho Huế
Cần thêm những điểm nhấn
Mỗi buổi chiều, cầu đi bộ lát gỗ trên sông Hương có rất đông du khách hóng gió, chụp ảnh, dù tuyến đường còn một số hạng mục chưa hoàn thành.
Bạn Thanh Vân, sinh viên năm 3, Trường đại học Kinh tế Huế chia sẻ, tuyến đường ven sông Hương nổi tiếng trên mạng xã hội, hầu như ai cũng biết nên muốn ghé chơi để ngắm sông Hương và chụp ảnh.
Đẹp, sang trọng, mới lạ… là nhận xét chung của hầu hết người dân khi đến tham quan tuyến đường đi bộ lát gỗ ven sông. Tuy vậy, khi được hỏi ý kiến góp ý về tuyến đường sau một hồi tham quan thì đều cho rằng, con đường này cần phải được chính quyền TP. Huế đầu tư chăm chút hơn mới có thể trở thành một điểm đến ấn tượng.
“Tuyến đường vẫn chưa hoàn thành nên chắc chắn sẽ còn nhiều hạng mục nữa, nhưng theo mình thì cần có thêm những “điểm nhấn”, ví dụ bờ kè sông nhìn rất tương phản với sự sang trọng của tuyến đường, cần thiết phải nghiên cứu, biến nó thành một thảm hoa, đèn chiếu hai bên lan can có cảm giác hơi tối, không giúp cho cây cầu lung linh hơn vào buổi tối hay cần có một bức tượng, phù điêu “cá tính” ghi địa danh điểm du lịch này để mọi người đến đây chụp ảnh”, chị Hà Anh trú tại phường Phú Hội chia sẻ.
Theo một cán bộ của Đại học Huế, các ban ngành nên nhanh chóng bố trí những thùng rác công cộng thông minh, thân thiện để vừa trang trí vừa giảm thiểu tình trạng nhếch nhác do xả rác bừa bãi. Huế là TP có thời gian nắng và mưa rất nhiều, tại sao lại không thiết kế một hệ mái che độc đáo ở một vài điểm để mọi người có thể ngắm cảnh lúc trời nắng hoặc ngắm mưa trên sông Hương, điều này nếu được nghiên cứu thiết kế hợp lý sẽ tạo ra điểm nhấn, làm giảm sự đơn điệu cho cả tuyến đường dài trên mấy trăm mét, đây cũng là địa điểm lý tưởng nhất để hiện thực hóa ý tưởng sản phẩm du lịch mưa Huế.
Và một số hoạt động văn hóa
Cũng có khá nhiều ý kiến cho rằng, ngay từ lúc này khi cây cầu lát gỗ và hệ thống đường dạo ven sông sắp hoàn thành, TP nên chú trọng nghiên cứu các hoạt động văn hóa, thương mại, dịch vụ để phục vụ cho du khách đến tham quan trên tuyến đường này. Những hoạt động này nếu được tổ chức tốt không chỉ tạo ra nguồn thu mà còn tạo nên một hình ảnh đường đi bộ đa sắc màu, sinh động cuốn hút hơn.
Ông Đồng Sỹ Toàn, Trưởng phòng Kinh tế TP. Huế cho biết, hiện phòng cùng với các ban ngành liên quan đang được UBND TP yêu cầu nghiên cứu các phương án tổ chức các hoạt động dịch vụ, văn hóa… sau khi dự án hoàn thành. Tuyến đường này có vị trí và tính chất hoàn toàn khác với phố đi bộ Phạm Ngũ Lão – Chu Văn An – Võ Thị Sáu nên khai thác dịch vụ cũng phải có phương án riêng. Quan điểm của lãnh đạo TP là các dịch vụ phải chất lượng trên cơ sở ưu tiên phục vụ cho du khách đi bộ.
Trưởng phòng Văn hóa TP. Huế, bà Phạm Thị Quỳnh Dao thông tin, với tư cách là cơ quan tham mưu, phòng cũng đang thu thập ý kiến để tham mưu UBND TP tổ chức một số hoạt động văn hóa trên toàn tuyến, nhằm biến nơi đây thành điểm đến sống động, ấn tượng. Cùng với việc UBND tỉnh phê duyệt Đề án Không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm TP. Huế, trong đó nghiên cứu quy hoạch chi tiết các hoạt động văn hóa, dịch vụ phục vụ khách tham quan tại khu vực đường Lê Lợi, đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền; sự đầu tư chỉnh trang hạ tầng, điện chiếu sáng... sẽ tạo thuận lợi cho tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ cộng đồng trên tuyến đường này.
Sau khi hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu kéo dài đến Bảo tàng Hồ Chí Minh, đường đi bộ trên sông Hương và dự án điện chiếu sáng nghệ thuật cầu Trường Tiền, TP sẽ hình thành đường đi bộ qua cầu Trường Tiền vào các ngày cuối tuần để tạo thêm điểm nhấn, gắn với quy hoạch thiết chế văn hóa dọc tuyến đường Lê Lợi nhằm phát triển một số loại hình dịch vụ như ẩm thực, mua sắm, tham quan bảo tàng, biểu diễn nghệ thuật đường phố, nghệ thuật trình diễn âm thanh ánh sáng dọc hai bờ sông Hương. |
Bài, ảnh: Quang Phong