Họ là những võ sư thuộc các môn phái như: Cương nhu Karaté, Thiếu lâm, Judo, Việt quyền đạo... gặp nhau trong những lần sinh hoạt thể thao ở thành Đoàn Huế. Chính lòng yêu thích võ học, mến nhau vì chữ “Đạo” đã kéo họ gần lại với nhau. Và tết Nguyên Tiêu năm 1980, trong một lần “chơi ngông” của tuổi trẻ, họ rủ nhau lên núi Ngự Bình để cùng uống rượu, ngắm trăng và luận bàn về võ học.

 
Võ sự Trương Trọng Toản (đứng) ôn lại kỷ niệm về tết Nguyên Tiêu trong ngày gặp mặt đầu năm

Lần đầu tiên lên đỉnh Ngự Bình, họ hòa điệu tâm hồn mình với cỏ cây, với thông reo, với đất trời thanh tân vào lúc trăng đêm bàng bạc... Những người võ sư này đã khơi nguồn cho một nét đẹp văn hóa của trai thanh, gái lịch đất Cố đô “chơi” tết Nguyên Tiêu trên đỉnh Ngự Bình.
         
34 năm đã trôi qua nhưng bài hát “Nguyên Tiêu ca” do chính những con người này sáng tác và hát trên đỉnh Ngự vẫn còn im đậm trong tâm trí dù tuổi “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh” đã qua từ lâu:        
                  
“Uống, ta uống rượu cho thật say
Để em thấy ta là mặt trời phương Tây
Uống, ta uống rượu cho thật say
Để ta thấy em là mặt trời phương Đông
Này hỡi cô em yêu dấu
Men gì làm anh say
Ly rượu ,câu thơ, trăng tròn, gió mát làm anh say
Không, anh xin trả lời rằng:
Vì cô nàng, vì cô em yêu dấu làm anh say
Cung, cúng, cụng, cùng...”
Câu chuyện của những võ sư lên núi Ngự Bình trong đêm Nguyên Tiêu năm 1980 là những kỷ niệm của một thời trai trẻ, kỷ niệm của những con người đầu tiên lên đỉnh Ngự để uống rượu, ngắm trăng, ngâm thơ, chơi nhạc và đàm đạo về võ thuật.
Võ sư Nguyễn Văn Nhân tâm sự: “Dù là con nhà võ nhưng chúng tôi rất yêu văn chương, chúng tôi muốn “quậy” cho trăng, cho gió phải mòn phai. Chúng tôi muốn tìm một nơi cao nhất để “ngồi nhìn thiên hạ” và cả nhóm đều nhất trí chọn đỉnh Ngự Bình.
Dưới ánh trăng của đêm Nguyên Tiêu, lần theo lối mòn của những người tiều phu, nhóm võ sư  leo lên đỉnh núi. Giữa đêm trăng, họ như những hiệp khách trên đỉnh “Hoa Sơn” luận kiếm trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung? Không! Chúng tôi là con nhà võ nhưng không lên đỉnh Ngự để tranh tài cao thấp, mục đích là để uống rượu, ngâm thơ, để cùng luận về triết lý của võ học, võ sư Đoàn Thị Thảo - sư muội của nhóm đã nói về mục đích và sự cảm nhận của lần đầu ngắm trăng trên đỉnh Ngự.
Ngày ấy, núi Ngự Bình chưa có những cây thông cao như bây giờ, mọc quanh sườn núi chỉ là những chồi thông vừa mới trồng đứng cheo leo trong gió đêm lành lạnh. Từ trên trên đỉnh núi có thể nhìn thấy rõ từng ánh đèn của thành Huế đang rơi vỡ dưới dòng nước Hương Giang. Chính điều này đã hun đúc sự lãng mạn cho những người võ sĩ biết yêu cái đẹp, biết yêu sông núi, gió trăng giữa vũ trụ bao la trong men rượu của đất trời đương xuân: Tay tiên nâng chén rượu đào/ Đổ đi thì tiếc, uống vào thời say...”
Võ sư Hồ Văn Thất kể, ngày xưa mỗi lần chuẩn bị lên đỉnh Ngự Bình trong dịp tết Nguyên Tiêu, những vị võ sư này đều đến bến nước trước bia Quốc Học để rửa sạch tay chân. Họ nói, muốn lên đỉnh Ngự Bình thì trước hết phải tắm nước sông Hương. Chúng tôi vẫn hiểu đây chỉ là cái tính chơi “ngông” của tuổi trẻ, nhưng ngẫm lại, đó là điều thiêng liêng mà trong thế giới siêu hình ta không thể giải thích.
Tảng đá làm bàn trên đỉnh Ngự, nơi họ thường ngồi vẫn còn đó, nhưng đã phủ đầy rêu phong. Cái thú được đón tết Nguyên Tiêu giống thời trai trẻ của họ đã không còn bởi nhiều lẽ... nhưng cứ đến ngày tết Nguyên Tiêu, tất cả lại cùng nhau đứng dưới chân núi để hoài niệm về những kỷ ức đẹp đẽ trên đỉnh Ngự, nơi đó có những con người đầu tiên lên núi để phiêu bồng, lãng du... 
Trọng Bình