Muốn xây dựng đô thị Huế “không rác thải” cần nhất chính là sự thay đổi toàn diện về ý thức, hành vi của toàn cộng đồng xã hội và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, kể cả vận dụng hiệu quả hạ tầng tiện ích.

Đổi rác, tái chế, tái sử dụng rác thải để xây dựng thói quen ứng xử văn minh với môi trường sống​

"Chăm" từ diện mạo vốn có

Là một trong những thành phố sạch nhất Việt Nam, các đô thị, hiệp hội, hội nghị về môi trường trong khu vực đã dành tặng cho Huế các danh hiệu "Đô thị sạch", "Xanh- sạch- đẹp", "Thành phố bền vững môi trường ASEAN", "Thành phố du lịch sạch ASEAN 2018-2020"...

Về tổng thể, TP. Huế đúng là đã xây dựng được thương hiệu về đô thị xanh- sạch- đẹp trong mắt các tổ chức, bạn bè khu vực, quốc tế. Nhưng nếu khắt khe hơn, dường như kể cả người dân, chính quyền và những người làm dịch vụ vệ sinh môi trường vẫn chưa bằng lòng vì bộ mặt đô thị còn lấm tấm sạn.

Rác xây dựng, rác sinh hoạt nhan nhản dọc các tuyến đường mới mở như Ngự Bình, Võ Văn Kiệt, Tam Thai, Tỉnh lộ 10; quanh những khu đô thị mới, thưa thớt dân cư như An Vân Dương, Đông Nam Thủy An... Nhếch nhác đủ loại rác cạnh những nơi tập trung mua bán, dọc các bờ kè, mương thoát nước...

Dù chính quyền rất quan tâm đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị nhưng đi cùng với đường thông hè thoáng, điện chiếu sáng đến đâu thì hoạt động kinh doanh, lấn chiếm lề đường, vỉa hè phát triển theo đến đó. Sau khi đường Lê Quý Đôn được mở rộng, chỉnh trang xong đã phát sinh tình trạng lấn chiếm lề đường vỉa hè, thậm chí đi vệ sinh trực tiếp trên vỉa hè, kinh doanh dịch vụ ăn uống đến 3- 4 giờ sáng. Hồ Kiểm Huệ thuộc địa bàn 3 phường: An Cựu, Xuân Phú, An Đông được chỉnh trang thoáng đẹp cũng bị lấn chiếm, biến thành "phố" ăn uống vào mỗi tối. Buổi sáng, quây quanh hồ là những người mua thúng bán bưng tụ tập họp chợ.

Trăn trở về những "hạt sạn" trên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế, ông Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ: Rõ ràng mỹ quan đô thị đang bị ảnh hưởng. Một phần do công tác quản lý của chính quyền địa phương chưa tốt và ý thức tự giác của người dân chưa cao. Dù công ty làm tốt, nỗ lực đến đâu mà không có sự chung vai của cơ quan chức năng, chính quyền và ý thức của cộng đồng thì mọi hoạt động phát sinh rác thải rất khó đảm bảo được kiểm soát, dọn sạch 100%.

Làm sạch đôi bờ sông Hương

"Tích tiểu thành đại"

Sẽ không công bằng nếu "vơ đũa cả nắm" về sự bàng quan, thiếu ý thức của người dân trong việc xả rác, bảo vệ môi trường. Vì hiện nay, có nhiều tổ chức, câu lạc bộ, nhóm trẻ có tên "Cảm ơn dòng Hương", "Sống xanh", "Tôi yêu Huế"... và nhiều tổ chức đoàn thể của cơ quan, đơn vị trên địa bàn đang tích cực tổ chức những đợt chiến dịch, ra quân làm sạch vệ sinh môi trường trên những cung đường, công viên, dòng sông, di tích, danh thắng.

Hành động thiết thực của những câu lạc bộ, nhóm trẻ không đơn giản chỉ gom sạch rác, mà mục tiêu sâu xa hơn là muốn nhắn nhủ, kêu gọi người dân cùng ý thức chung tay giữ gìn cảnh quan, môi trường của đô thị Huế xanh, sạch, không rác thải như chủ trương của chính quyền tỉnh, thành phố đang hướng đến.

Một việc làm đang được nhiều tổ chức, đơn vị tích cực triển khai, vận động người dân thực hiện đó là phân loại rác tại nguồn, tận dụng, tái chế, tái sử dụng rác thải. Điều này cũng được ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh phân tích về tính hiệu quả khi trước hết hạn chế lượng rác thu gom, vận chuyển và xử lý bằng chôn lấp. Nhiều điểm chôn lấp đã phát sinh ô nhiễm và nguy cơ này sẽ còn kéo dài, để lại hệ lụy về ô nhiễm môi trường đất, nước do việc xử lý chôn lấp không đảm bảo quy trình, hợp vệ sinh.

Tiếc một điều là trên địa bàn TP. Huế vẫn chưa làm mạnh việc phân loại rác tại nguồn so với các vùng nông thôn, mà phần lớn đang tập trung vào việc tuyên truyền, giáo dục trong các trường học cho các thế hệ nhỏ với mong muốn một thay đổi đột phá trong tương lai. Lý do được những người trong cuộc kể lại có lẽ vì thành phố đã từng mấy lần thất bại khi theo đuổi dự án này. Năm 2004, thành phố đã thí điểm phân loại rác tại nguồn tại phường Vĩnh Ninh. Lúc đó, người dân được phát 3 loại bì đựng rác 3 màu khác nhau. Nhưng khi rác đã được phân loại thì hạ tầng lại không có, nên cuối cùng rác vẫn nhập lẫn lộn và đưa về bãi xử lý chôn lấp. Khoảng năm 2005, một dự án của Nhật Bản đã hỗ trợ thực hiện mô hình phân loại rác ở phường Phú Bình. Kết quả chỉ khoảng một, hai năm sau, mô hình này cũng không được duy trì.

Một số người cho rằng, thực ra việc phân loại rác tại nguồn đã được lực lượng thu mua "chai bao" làm từ hàng chục năm nay và đây là nghề kiếm sống chính của họ. Nên chăng tập trung sắp xếp, kết nối các hộ kinh doanh, đội ngũ thu gom phế liệu hoạt động có tổ chức, quy củ, trật tự và có cơ chế hỗ trợ về chính sách hợp lý cho những đối tượng này. Cần thiết nên quy hoạch điểm thu mua, tập kết các đầu mối kinh doanh phế liệu vào các khu cụm công nghiệp và củng cố, phát triển mạng lưới chân rết thu gom.

Hoài Thương

(còn nữa)