Nhiều hộ dân sinh sống lấn chiếm hộ thành hào quanh Kinh thành Huế gây ô nhiễm nguồn nước, cảnh quan. Ảnh: P. Thành

Nêu vấn đề như vậy để thấy, đây là một đợt di dời tốn kém và phức tạp. Rất có thể có nhiều vấn đề phát sinh trong khi thực hiện nên chính quyền tỉnh, thành phố và nhiều ban ngành liên quan cần chuẩn bị tinh thần cao nhất để xử lý vấn đề phát sinh, nếu có.

Quần thể di tích Cố đô Huế có giá trị vô giá chẳng những với Huế mà cả với quốc gia và quốc tế. Mọi điều làm ảnh hưởng đến di sản này cần được xử lý một cách rốt ráo là điều không thể không làm.

Nếu chúng ta đánh từ khóa : “4.200 hộ dân sẽ được di dời khỏi Kinh thành Huế” thì công cụ tìm kiếm trên mạng internet sẽ hiện ra hàng loạt bài viết về vấn đề này, nhìn nhận ở nhiều góc độ. Trong bài viết này, người viết xin được nhìn nhận ở vài góc độ như sau:

Không có những phân tích cụ thể là 4.200 hộ dân sống trong vùng di tích mà bây giờ tỉnh đặt ra vấn đề di dời không biết từ bao giờ, chắc là nó có tính lịch sử của nó! Nhưng chúng ta cũng có thể hình dung, đây là một quá trình diễn ra từ từ và có thể lâu dài, “rỉ rả”. Đến đây thì nó phát sinh một câu hỏi về công tác quản lý. Có chăng chính quyền, đặc biệt là chính quyền cơ sở quản lý yếu kém!? Vì chính quyền cơ sở chúng ta quản lý không tốt nên bây giờ giải quyết một hậu quả rất lớn. Con số nhìn thấy được là cả hàng ngàn tỷ đồng phải bỏ ra để khắc phục hậu quả. Bài học rút ra ở đây là phải tăng cường công tác quản lý, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền, đặc biệt là chính quyền cơ sở, cấp chính quyền ở gần dân nhất.

Thứ đến, di dời tái định cư cả một số lượng rất lớn người dân, chắc chắn một số vấn đề về dân sinh sẽ phát sinh. Nó không đơn thuần là giải quyết chỗ ở mà là đời sống, công ăn việc làm, chuyện học hành của con em, và thậm chí là chuyện giao thông đi lại…Tình thần “giải tỏa, đền bù, tái định cư cho người dân phải có cuộc sống ít nhất là bằng và tốt hơn trước” không phải là điều dễ thực hiện. Điều đó đòi hỏi nỗ lực rất lớn của người dân và sự hỗ trợ, thấu cảm của chính quyền. Chúng ta đã từng chứng kiến việc tại định cư “thất bại”. Cách đây nhiều năm, khi làm một công trình thủy điện, nhà đầu tư cùng với chính quyền địa phương kiếm nơi để tái định cư người dân. Khu dân cư, nhà ở được thiết phải nói là đẹp. Mỗi hộ gia đình được phân 200m2 để canh tác. Tôi đã đến khu tái định cư này, không phải là nhà nông nghiệp nhưng tôi biết đất này rất khó có cây nào lên xanh tốt được. Đất núi được chở đến để san lấp mặt bằng. Với điều kiện và trình độ canh tác còn thấp của bà con đồng bào làm sao mà có cuộc sống tốt trên 200m2 đất này được. Khu tái định cư lại gần rừng tự nhiên, tui e rằng người dân sẽ “vào rừng kiếm cơm”, và rừng bị xâm hại là điều khó tránh khỏi.

Thôi thì hãy đi gần ra phía Bắc TP. Huế, chúng ta sẽ thấy mấy dãy chung cư được xây ra để tái định cư nhưng cả chục năm rồi rất ít người ở, trong khi đó công trình ngày càng xuống cấp…

Nêu những vấn đề như vậy để nói rằng, việc di dời người dân ra khỏi Kinh thành Huế là điều cần thiết, nhằm để bảo vệ tốt di tích, ổn định nơi ăn chốn ở của người dân. Với những mục tiêu tốt đẹp như vậy, người viết bài này tin tưởng người dân sẽ đồng tình ủng hộ. Nếu người dân cộng tác tốt với chính quyền, với một tinh thần trách nhiệm và thấu cảm giữa hai phía, chắc chắn “công cuộc di dời” dù lớn và phức tạp đến đâu cũng sẽ thành công.

Nguyên Lê