Sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AP 

Lưu lượng hành khách hàng không ở châu Á-Thái Bình Dương dự kiến ​​sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 5,1% kể từ năm 2016, đạt 3,5 tỷ hành khách vào năm 2036. Đặc biệt, các hãng hàng không giá rẻ là một chất xúc tác lớn cho tăng trưởng, với công suất chỗ ngồi tăng gấp 4 lần từ 50,3 triệu trong năm 2007 lên khoảng 222,9 triệu trong năm 2016. Trong cùng thời gian đó, ASEAN cũng tăng 76% số khách quốc tế từ 62 triệu lên 109 triệu.

Tuy nhiên, 12 trong số 20 sân bay hàng đầu của châu Á đã hoạt quá công suất trong năm 2017, và 4 sân bay khác hoạt động ở mức 90% công suất trở lên. Trong ASEAN, Bangkok và các sân bay chính của Manila đang hoạt động quá công suất, trong khi các sân bay ở Jakarta cũng hoạt động gần hết công suất hiện có.

DBS ước tính rằng sẽ cần khoảng 516 tỷ USD để đầu tư vào các sân bay của châu Á trong 2 thập kỷ tới.

Mặc dù đầu tư vào sân bay theo truyền thống thường là lĩnh vực mà các đơn vị công thống trị, nhưng trong tương lai, vốn tư nhân dự kiến ​​sẽ đóng vai trò lớn hơn, với nhiều cơ hội tư nhân hóa hơn ở các thị trường như Indonesia và Philippines, cũng như ở Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, DBS dự đoán.

Nhiều chính phủ trong ASEAN có kế hoạch mở rộng sân bay. Ví dụ, báo cáo của DBS ghi rõ rằng phát triển sân bay là một phần trong chiến lược quan trọng của chính phủ Indonesia, với một trong 9 ưu tiên - theo Ban điều phối đầu tư Indonesia - sẽ phát triển 15 sân bay mới vào năm 2019. Chương trình “Xây dựng, xây dựng và xây dựng” của Philippines ra mắt vào năm 2017 về kế hoạch trong 5 năm tới, bao gồm 6 dự án sân bay.

Sân bay chính của Thái Lan Bangkok Suvarnabhumi sẽ được mở rộng gấp đôi công suất đến năm 2021, trong khi các kế hoạch ban đầu cho các sân bay thứ cấp tại Chiangmai và Phuket cũng đã được đề xuất. Kế hoạch tổng thể của Việt Nam đến năm 2020 bao gồm các kế hoạch nâng cấp và mở rộng hầu hết 23 sân bay hiện tại và có khả năng xây dựng các sân bay mới, được tài trợ bởi sự kết hợp chi tiêu của chính phủ, đầu tư trong và ngoài nước và viện trợ phát triển.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Business Times)