Xét về chủng loại thì hiện nay mảng xanh Huế đang sở hữu một kho tàng cây xanh phong phú, chỉ tính riêng cây bóng mát và cây cảnh lớn thì cũng đã có gần 200 loài, nếu tính cả các cây tiểu cảnh, hoa cảnh thì số loài đã vượt quá 300. Nếu lấy sự đa dạng loài làm nét riêng thì chỉ có giá trị về mặt khoa học, môi trường, còn về mặt nhân văn thì khó biểu thị. Bởi lẽ du khách đến Huế, dù cho có thời gian lưu trú nhiều ngày để hòa mình vào từng mảng xanh công viên, đường phố... ắt cũng khó nhận ra được sự đa dạng này. Giá như sự đa dạng loài được chuyển thể thành đa dạng đường phố, công viên theo loài cây thì sẽ tạo được nét rất riêng, nhưng mãi đến nay chúng ta vẫn chưa có được. Giá như chúng ta có một lâm viên theo dạng vườn thực vật nằm ở đồi Vọng Cảnh chẳng hạn e cũng tạo được một cái riêng góp phần phát triển du lịch sinh thái...
 
Ngô đồng ở công viên Thương Bạc
Ngô đồng ở Tả vu
 
Một trong những nét riêng nổi bật của mảng xanh đô thị Huế từng được cộng đồng gần xa quan tâm, từng được nhiều văn nhân, nhà khoa học, nhà báo truyền thông trên nhiều phương tiện nghe nhìn, đó là các loài cây ngoại lai hiếm, lạ như cây bao báp, cây ngô đồng, cây chà là Canary. Nhưng chúng ta đã làm gì để chúng nổi tiếng hơn? Liệu nhân giống bao báp, ngô đồng để trồng rộng rãi ở một số công viên như đã làm trong thời gian vừa qua có góp phần tôn tạo giá trị lịch sử, nhân văn và cảnh quan hay làm phản tác dụng ý nghĩa của chúng? Liệu một khi chúng trở nên đại trà, du khách có cần phải tìm vào tận đường Mai Thúc Loan, lên đến phường Phước Vĩnh để ngắm bao báp cổ thụ hiếm hoi hay phải vào tận hậu điện Thái Hòa, Tả Vu, Hữu Vu để ngắm ngô đồng khoe sắc điểm tô cho các đường nét kiến trúc cổ của công trình lịch sử? 
 
Viết thế này tôi không ngụ ý phê phán một cách phụ tình biết bao nhà quản lý có tâm, hằng trăn trở, nghiên cứu, chỉ đạo các nhà kỹ thuật tìm cách nhân giống bao báp, ngô đồng và thiết kế trồng mở rộng lâu nay, tôi cũng không muốn làm phụ lòng biết bao công nhân đổ mồ hôi trồng và chăm sóc, mà chỉ muốn mở ra một tiền đề để nêu lên một ý tưởng bảo tồn, phát triên những loài cây nổi danh này theo một phương thức khác. Đó là, dùng chúng làm điểm nhấn xanh cho thành phố Huế.
 
Theo tôi, nếu được sự đồng thuận của các cấp lãnh đạo, chúng ta nên thiết kế tạo điểm nhấn xanh cho Huế bằng cách tạo hai hàng cây xanh đặc trưng cho hai cửa ngõ Bắc Nam dẫn vào thành phố Huế. Cây ngô đồng có lịch sử dẫn giống từ phương Bắc, cần được chọn trồng thành hai hàng ở đoạn đường đầu tiên của cửa ngõ phía Bắc. Cây bao báp có lịch sử dẫn giống từ châu Phi, cần được chọn trồng thành hai hàng ở đoạn đường đầu tiên của cửa ngõ phía Nam. Sau này khi con đường quá cảnh từ Lào qua A Lưới vào thành phố Huế được hình thành thì để tạo điểm nhấn ở đoạn đường cửa ngõ phía tây có thể chọn cây chà là Canary. Thiết nghĩ, chúng ta chỉ cần tạo điểm nhấn xanh theo kiểu này ở mỗi cửa ngõ của thành phố một đoạn đường dài chừng 100-200 mét là đã đủ gây ấn tượng cho khách vãng lai rồi. Lúc đó, bất kỳ ai vào thành phố Huế bằng đường bộ cũng sẽ cảm nhận được cái riêng và họ tự thấy rằng đấy là dấu hiệu chỉ dẫn “Đã đến thành phố Huế rồi bạn ơi” mà không cần bất kỳ một tấm biển báo nào.
 
Làm được thế, tôi tin rằng du khách đến Huế bằng cửa ngõ phương này sẽ không bỏ lỡ cơ hội tham quan cửa ngõ các phương còn lại để ngắm nhìn những hàng cây vừa có ý nghĩa lịch sử, vừa có ý nghĩa thích nghi sinh thái đặc trưng. Như thế có khác gì chúng ta đã làm “một công đôi việc”, vừa tạo điểm nhấn xanh độc đáo vừa đa dạng hóa môi trường cho sự phát triển du lịch sinh thái - nhân văn.
NGƯT Đỗ Xuân Cẩm