Chiêm ngưỡng chiếc cầu, tôi lại mường tượng về thời điểm bến đò đầu tiên không xác định được thời gian trên sông Hương (kiểu như bến đò Thừa Phủ) ra đời hay ngày khánh thành cầu Trường Tiền hơn thế kỷ trước. Tôi nghĩ, đó được xem là những công trình nhân tạo đầu tiên tác động lên dòng Hương. Các bến đò hay cầu Trường Tiền được xây dựng trước hết là để đáp ứng cho nhu cầu qua lại đôi bờ của người dân và góp phần tôn vinh vẻ đẹp của Hương Giang.

Cầu đi bộ trên sông Hương lại khác. Nó được làm ra để ngắm, để chơi, để thư giãn và hơn thế để tạo nên một điểm nhấn du lịch. Cũng bởi do ra đời từ nhu cầu làm đẹp nên ngay trong thời đại ngự trị của xi măng cốt thép, cầu đi bộ trên sông Hương được lót sàn bằng loại gỗ lim có xuất xứ từ Nam Phi. Cầu dài 380m và rộng 4m, khi chưa khánh thành đã có rất nhiều bạn trẻ háo hức đến dạo chơi, chụp ảnh, chứng kiến cảnh đó, tôi đã liên tưởng đến chiếc cầu ngói ở Thủy Thanh vào những buổi trưa hè đông vui.

Đến Thượng Hải (Trung Quốc) du khách khó bỏ qua bến Thượng Hải. Lạ thay, đó chỉ là một bến sông không tàu bè, một điểm dừng chân không ồn ào dịch vụ và cũng chẳng có một công trình gì đặc sắc. Thế nhưng, có dịp ghé lại bến Thượng Hải vào buổi trưa nhạt nắng, nhìn phố sá Thượng Hải thấp thoáng xa gần, thỉnh thoảng bắt gặp những đàn chim Hải Âu tung cánh giữa đất trời mênh mông, được chạm vào hạt nước của dòng sông Hoàng Phố, tôi đã có một cảm giác lạ, thật khó tả, như chợt hiểu hơn thành phố và con sông đã là đề tài cho bao cuốn sách và bộ phim đầy sắc màu lãng mạn mà mình từng được đọc, xem.

Sông Hương là niềm tự hào của Huế. Như đã nói, lâu nay, đã có rất nhiều công trình tôn vinh và giúp con người khai thác, cảm nhận được vẻ đẹp của dòng sông thơ mộng này mà cầu Trường Tiền, các bến đò hay những công viên dọc theo đôi bờ dòng sông là những ví dụ. Thế nhưng, để giúp mọi người (và cả du khách) tìm đến, dù chỉ là phút giây ngắn ngủi, “chạm” được dòng nước trong xanh, có được một điểm đến cô đọng mà bao quát được vẻ đẹp của dòng Hương và Cố đô thì có vẻ như đang thuộc về cầu đi bộ trên dòng Hương mới được xây dựng này.

Nằm cạnh con phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu lâu nay vẫn nhộn nhịp, đông đúc, cầu đi bộ trên sông Hương chính là một điểm nhấn quan trọng trong không gian văn hóa mở dọc bờ sông Hương với những Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, Trung tâm trưng bày sản phẩm nghề truyền thống Huế, Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ, Bảo tàng Văn hóa Huế, Nhà trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị. Điều đáng nói là so với bến Thượng Hải, cầu đi bộ dọc sông Hương là cả sự công phu, không chỉ khi thiết kế xây dựng mà cả khi đưa vào sử dụng.

Được lát gỗ và trang trí, chiếc cầu đòi hỏi phải để mắt và thường xuyên chăm sóc từ tổng thể, màu sơn cho đến cả từng chiếc đinh ốc, nhất là trong điều kiện mưa bão thường xuyên đe dọa. Còn nữa là ý thức của con người, người ta đang cảnh báo về tình trạng rác thải trên sông Hương và đây là một điểm nóng. Tóm lại, giữ gìn chiếc cầu dọc theo sông Hương này rồi đây là cả sự dụng công lớn, chẳng khác gì việc chăm sóc gìn giữ ngôi vườn và căn nhà rường xứ Huế. Bỏ bê, cây cỏ sẽ um tùm và khu vườn sẽ trở nên hoang hóa, mái lợp và cả khung gỗ nhà rường bên trong sẽ bong lóc, bị mối mọt tàn phá và hư hỏng. Đó là điều chẳng ai thích, nhất là khi cầu nằm ở trung tâm thành phố.

Với chiếc cầu gỗ lim sang trọng, người Huế đã làm cầu trên sông Hương theo cách của riêng mình. Theo tôi, họ cũng sẽ biết cách gìn giữ, bảo quản và phát huy giá trị của nó, như đã và đang ứng xử với nhà rường nói chung hay chiếc cầu ngói nơi làng quê Thanh Thủy Chánh.

ĐAN DUY