Lạ miệng với ruốc khô xào

Gặp đồng hương vào dịp sóng “nhám”, bạc đầu nơi đất khách. Nói là đất khách nhưng cũng quanh quẩn vùng biển Phú Lộc chứ không đâu xa. Dân biển gặp nhau thì cứ phải lai rai. Bạn vốn là con ngư dân nhà nòi, bây giờ vẫn còn mê đuôi tôm cá nên nhất quyết mồi nhắm phải là đồ biển.

Tôi vốn không ưng thưởng thức hải sản tươi sống lúc trời đang mưa, se lạnh bởi chắc rằng sẽ là đồ đông lạnh. Bạn hiểu ý, mang ra một bì ruốc khô được gói kỹ càng trong túi bóng. Từng con ruốc múp máp, màu vàng nhạt trông rất hấp dẫn. “Thứ ni chỉ cần bắc chảo dầu, phi ít tỏi, đảo đều vài phút là hết bia, hết rượu”, bạn nói.

Ruốc, với tôi chẳng lạ nhưng lời bạn nói khiến tôi ngã ngửa. Nó chắc nịch rằng, bây giờ ruốc không xuất hiện nhiều, có chăng vào mùa chỉ miệt biển Phú Lộc này mới kéo được hàng tạ/ngày, chứ những nơi khác hiếm khi có. Bì ruốc khô giới thiệu, đãi tôi được nó dự trữ vào mùa tháng 6 âm lịch. Và câu chuyện hôm ấy giữa tôi với bạn cứ xoay quanh mùi… ruốc.

Ký ức tôi với con ruốc là ngày hè bỏng rát, mùa tháng 6 đứng bóng ngồi dưới lùm dương liễu cùng mạ dõi theo thuyền của ba kéo ruốc phía xa, cách bờ biển chừng trăm sải tay. Không như những loại hải sản ven bờ khác, theo con ruốc ba phải cơm đùm cơm bới từ lúc mặt trời chưa tỏ, đến xế chiều ba mới về nhà quây quần bên mâm cơm cùng gia đình.

Nghề bắt ruốc làng tôi gọi là kéo dạ bằng một loại lưới có mắt rất nhỏ, cấu tạo có một cái đạy (túi) phía đằng sau để khi kéo, ruốc theo luồng chui vào đạy. Đến mùa, ruốc xuất hiện từng đàn, theo con sóng dạt vào gần bờ. Tùy vào vùng biển mà ruốc xuất hiện theo từng thời điểm khác nhau, nếu như ở các tỉnh thành khác ruốc có thể xuất hiện vào tháng 11 âm lịch thì ở làng tôi, tháng 6-7 thì ruốc đã nổi đỏ mặt nước.

Nghề kéo dạ trông đơn giản nhưng rất vất vả. Mỗi ghe (thuyền) hành nghề phải có từ 5-6 người/thuyền mới đủ “lực” kéo được ruốc. Mùa ruốc về, những hộp cơm được các mẹ, các chị chuẩn bị từ đầu hôm, nén chặt để chồng mang theo vào sáng hôm sau. Cái lạ của nghề này là người đứng ở trong bờ có thể theo dõi và biết được thuyền nào nhiều, thuyền nào ít. Phía biển từng thuyền thi nhau kéo, phía bờ đông nghịt người trông ngóng. Kéo đến khi thuyền đầy ắp ruốc thì lái thuyền vào bờ tập kết để người thân bán cho tiểu thương ngay tại bãi hoặc phơi khô chờ thương lái đến mua. Sau đó, tiếp tục đánh thuyền ra biển tiếp tục kéo. Mỗi thuyền có đến 5-6 chuyến/ngày vào ra như thế. Và con ruốc chiếm đến gần nửa thu nhập của ngư dân/năm.

Ruốc là thứ hải sản dân dã nhưng lại chế biến được nhiều món ngon. Ngoài mắm ruốc dường như đã thành thương hiệu của người dân miệt biển thì có thêm gỏi ruốc, canh ruốc… Nhưng đông về, món ruốc khô trở nên hấp dẫn, lạ miệng.

Để làm món này ngon, mùa ruốc, ngư dân thường chọn loại ruốc đỏ, đãi sạch, phơi khô vài nắng trên tấm phên tre nhỏ rồi mang gói kỹ vào túi ni lông.

Cũng như ruốc tươi, ruốc khô cũng có thể nấu canh, xào dưa cải nhưng đơn giản, lạ nhất vẫn là ruốc khô xào tỏi, sả, ớt. Trước khi làm món này, ruốc phải được sơ chế, làm sạch bằng cách rửa ruốc qua vài nước sạch bụi bẩn, đảo ruốc để cát lắng xuống. Sau đó, vớt ruốc để ráo rồi cho vào chảo dầu đã phi tỏi, ớt, sả sẵn, xào đến khi con ruốc khô, săn lại, nêm nếm gia vị, nước mắm phù hợp khẩu vị là có thể dùng được.

Ruốc khô dù rẻ nhưng lạ miệng. Ngày mưa, se lạnh, ăn chén cơm nóng với dĩa ruốc khô xào thơm phức, cay xè lại nhớ về ngày xưa khi ngồi dưới bóng dương cùng mẹ đợi thuyền ruốc của ba cập bến. Với tôi đó là ký ức ngọt ngào nhất nên dù đã ăn qua khá nhiều món ngon nhưng ruốc khô xào sả ớt bao giờ cũng là “đặc sản” tốn cơm nhất!

Bài, ảnh: L. THỌ