Ông bà ta thường ví “Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay”. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc học nghề.  Đó là “vốn” để người lao động có thể lập thân, lập nghiệp vững chắc. Thực tế, vấn đề đào tạo nghề được đặt ra từ lâu, nhưng chuyển biến trong công tác này thời gian qua còn chậm. Hiện nay, cánh cửa đại học rộng mở, việc chọn học trường nghề chỉ là tình thế bất đắc dĩ. Chính vì thế, tình trạng thừa thầy thiếu thợ diễn ra khá phổ biến, kéo theo tình trạng thất nghiệp ở lực lượng lao động trẻ, nhất là lao động đã qua đào tạo. Không ít trường hợp phải giấu bằng đại học để xin làm công nhân.

Thực ra, không phải các doanh nghiệp không cần những lao động có trình độ cao. Vấn đề nằm ở chỗ, người được đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu vị trí công việc; hoặc số lượng, ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu ở thị trường. Nhu cầu lao động của thị trường vốn rất đa dạng và với từng địa phương, khu vực nhu cầu về các loại nghề cũng khác nhau. Chẳng hạn, với Thừa Thiên Huế, ngành dệt may phát triển mạnh và trong lộ trình xây dựng trở thành trung tâm dệt may của cả nước rất cần lao động có trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành này thì lại chưa có một cơ sở nào đào tạo ngành dệt may. Đó là khoảng trống, các doanh nghiệp phải tự “lấp” bằng cách gửi đi đào tạo vừa tốn thời gian, vừa tốn kinh phí.

Nhìn ở góc độ đào tạo, các trường nghề hiện chưa tương xứng về số lượng lẫn chất lượng đào tạo, chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Chẳng thế mà không ít trường nghề rơi vào cảnh đìu hiu, lãng phí nguồn lực đầu tư…

Với xu thế phát triển hiện nay, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sản xuất mang tính hàng hóa cao và cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc dạy và học nghề đang đứng trước những cơ hội và thử thách lớn. Việc dạy nghề không chỉ phục vụ sản xuất công nghiệp, dịch vụ mà ngay cả lĩnh vực nông nghiệp cũng cần lao động có trình độ cao. Nông nghiệp công nghệ cao là một ví dụ. Để trồng được rau sạch, nuôi tôm công nghiệp người nông dân không học không thể làm việc.

Thời gian gần đây, đào tạo nghề đang có những bước chuyển rõ rệt sau khi đã sắp xếp gọn lại bộ máy. Nhiều trường nghề thu hút được các thí sinh đạt điểm cao. Một số trường tuyển sinh gắn với cam kết đầu ra, đảm bảo việc làm cho sinh viên. Con số 26 trường nghề toàn quốc vừa cam kết, học viên ra trường không tìm được việc làm sẽ hoàn trả học phí là minh chứng rõ nhất trong chuyển biến đào tạo nghề.

Để tạo đột phá trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian tới, theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, trước hết, gắn với hai trục xoay là: tái cơ cấu nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sản xuất, hàng hóa. Vì vậy, cần triển khai đồng bộ 6 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đề ra. Trong đó, chú trọng vấn đề tăng cường gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp, huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào tất cả các khâu từ dự báo xác định nhu cầu đào tạo, quy mô cơ cấu. Chuyển mạnh sang đào tạo theo đầu ra, sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ đào tạo gắn với thị trường. Ngoài kiến thức kỹ năng nghề nghiệp thì còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn khác như: kiến thức thị trường, kiến thức hội nhập, tác phong công nghiệp…

Đây là vấn đề vừa mang tính định hướng, vừa là giải pháp để các trường nghề đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo nghề và người học cũng yên tâm khi chọn con đường học nghề.

Hoàng Minh