PGS.TS Trần Xuân Chương

Xin ông cho biết một vài thông tin về Melioidosis?

Melioidosis là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh này có tên thường gọi là Whitmore. Trên thế giới đã ghi nhận bệnh này từ thập niên 20 - 30 thế kỷ trước. Ở Việt Nam phát hiện chúng vào những thập niên 50; đặc biệt, trong chiến tranh ở Việt Nam nhiều lính Mỹ đã mắc bệnh này. Sau ngày giải phóng đất nước, một số bệnh viện (BV) lớn ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh công bố về các ca nhiễm bệnh này. Gần đây, bệnh Melioidosis có xu hướng gia tăng ở khu vực miền Trung. Cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11 trong năm. Nếu không phát hiện, điều trị đúng phác đồ, tỷ lệ tử vong của người bệnh lên gần 50%.

Bệnh Melioidosis đã xuất hiện ở khu vực miền Trung, thế nhưng nhiều y, bác sĩ khẳng định đó bệnh hiếm, ít xảy ra ở Thừa Thiên Huế. Ông có thể giải thích về điều này?

Số liệu chúng tôi ghi nhận ở các BV thuộc khu vực miền Trung (từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế) trong 5 năm gần đây có hơn 60 trường hợp mắc bệnh. Đây là con số ghi nhận, còn những trường hợp chưa phát hiện ra sẽ cao hơn. Nhiều ý kiến cho rằng Melioidosis là bệnh ít gặp vì do biểu hiện lâm sàng của nó đa dạng, như sốt, nhiễm trùng không triệu chứng, viêm phổi, đau nhức các cơ khớp, xuất hiện những ổ áp xe dưới da và tại nhiều vị trí trên cơ thể nên dễ chẩn đoán nhầm lẫn với các bệnh khác, như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết... Hơn nữa, việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa trên kết quả xét nghiệm vi sinh, có quy trình nuôi cấy nhận dạng vi khuẩn. Tuy nhiên, các BV tuyến dưới chưa biết nhiều về bệnh này, cán bộ xét nghiệm vi sinh cận lâm sàng chưa có quy trình xét nghiệm chuẩn nuôi cấy chọn lọc tăng sinh vi khuẩn Burkholderia pseudomallei ở các bệnh phẩm tạp nhiễm nên khó phát hiện. Vì vậy, lâu nay Melioidosis là bệnh truyền nhiễm được xem như bị bỏ quên ở Việt Nam.

Bệnh này có lây không, thưa ông?

Loại vi khuẩn Burkholderia pseudomallei là loại vi khuẩn sống trong đất và trong nước. Do vậy con đường lây nhiễm chính của bệnh là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có vi khuẩn. Bệnh cũng có thể lây qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn. Rất may đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào về việc bệnh có thể lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người qua con đường không khí. Vì thế, nhiễm bệnh Melioidosis thường rải rác chứ không bùng phát thành dịch hoặc đại dịch.

Những đối tượng nào thường mắc Melioidosis, thưa ông?

Mọi lứa tuổi, trong đó không loại trừ những người khỏe mạnh. Đối tượng mắc cao là do thường xuyên tiếp xúc với bùn đất, nước, vườn tược. Những trường hợp mắc bệnh như đái tháo đường, nghiện rượu, có bệnh lý phổi hoặc thận mạn tính khi tiếp xúc với bùn đất thì có nguy cơ mắc bệnh Melioidosis cao hơn. Thời kỳ ủ bệnh của Melioidosis trung bình 9 ngày. Bệnh có thể diễn biến tối cấp, cấp tính, bán cấp tính hoặc mạn tính. Nếu bệnh diễn biến tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong sau 48 giờ.

Khi phát hiện bệnh, cách điều trị như thế nào?

Việc điều trị bệnh khi được khẳng định chẩn đoán hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh (thường là nhóm ceftazidime hoặc carbapenem, cotrimoxazole) tấn công liều cao (6 - 8g Ceftazidim/ngày truyền tĩnh mạch) kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng bệnh. Chính việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc dẫn đến tỷ lệ tử vong do bệnh Melioidosis cao.

Ông có khuyến cáo cho cộng đồng về bệnh này?

Qua các hội thảo trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh từ cấp Trung ương và địa phương tôi mong muốn mọi người biết rõ và hiểu thêm về căn bệnh để phòng ngừa. Đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh Melioidosis. Đối với cơ sở y tế, BV khi gặp các bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng như nói trên, phải nghĩ đến bệnh Melioidosis trọng đến quy trình xét nghiệm đúng chuẩn để phát hiện vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh. Khi phát hiện đúng bệnh phải điều trị tấn công ít nhất 2 tuần dùng kháng sinh liều cao đặc hiệu. Sau đó, tiếp tục điều trị duy trì khoảng 3-6 tháng mới phòng được tái phát.

Với những người thường xuyên tiếp xúc với đất, như nông dân cần phải có bảo hộ lao động, đi ủng, mang găng tay nhất là khi trên da xuất hiện các vết xước. Khi xuất hiện các biểu hiện như sốt, ho, đau đầu, đau ngực... cần đi khám tại các cơ sở có xét nghiệm vi sinh, không nên tự ý mua thuốc điều trị để tránh trường hợp đáng tiếc.

Xin cảm ơn ông!

Minh Văn (thực hiện)