Sáng nay (2/11), tại Hội trường Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Hiệp định CPTPP gồm 7 điều và 1 phụ lục, là một hiệp định thương mại tự do (FTA) chất lượng cao, Chủ tịch nước cho biết.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
CPTPP không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước...
Ngoài ra, Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.
Hiệp định CPTPP tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, thương mại dịch vụ xuyên biên giới... (Ảnh minh họa: KT)
Theo chương trình làm việc hôm nay, sau bài trình bày của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.
Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về việc phê chuẩn Hiệp định này cùng các văn kiện liên quan.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay TPP-11) là hiệp định thương mại tự do giữa Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn có 12 nước. CPTPP có hiệu lực từ ngày 30/12 sau khi Australia trở thành nước thứ 6 phê chuẩn hiệp định này, sau New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore. CPTPP gồm 11 nước với tổng giá trị GDP khoảng 10.000 tỷ USD, khoảng 13% GDP toàn cầu. |
Theo VOV