Khu vực châu Á-Thái Bình Dương có hơn 1/2 tổng số 821 triệu người suy dinh dưỡng trên thế giới. Ảnh: AFP

Châu Á-Thái Bình Dương có tỷ lệ đô thị hoá cao nhất thế giới, cũng là nơi có hơn 1/2 tổng số 821 triệu người suy dinh dưỡng toàn cầu, theo các nhà lãnh đạo khu vực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

"Tiến bộ trong việc cải thiện sự thiếu dinh dưỡng chậm lại đáng kể. Trong bối cảnh di cư từ nông thôn sang thành thị tiếp tục tăng nhanh, suy dinh dưỡng đô thị là một thách thức mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt", báo cáo trên nói thêm.

Trong khi đó, có hơn 1 trên 8 người trưởng thành đang bị béo phì, châu Á-Thái Bình Dương ghi nhận tỷ lệ phát triển béo phì ở trẻ em nhanh nhất, do việc tiếp cận dễ dàng hơn đối với thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối, chất béo và đường.

Đô thị hoá nhanh chóng là yếu tố then chốt dẫn đến mức độ suy dinh dưỡng và béo phì gia tăng ở châu Á-Thái Bình Dương, "nếu không được quản lý tốt, đô thị hóa nhanh chóng có thể dẫn đến những hệ thống thực phẩm rối loạn chức năng, làm suy dinh dưỡng và béo phì xảy ra trong cùng một thành phố, hay thậm chí trong cùng một hộ gia đình. Do đó, điều quan trọng là phải đảm bảo các thành phố mở rộng nhanh chóng ở châu Á-Thái Bình Dương được lên kế hoạch một cách bao quát, bền vững và nhạy cảm với dinh dưỡng", báo cáo lưu ý.

"Các nhà quy hoạch đô thị phải trở thành những đối tác dinh dưỡng mới. Thế giới không thể đạt mục tiêu năm 2030 về chấm dứt nạn đói nếu châu Á-Thái Bình Dương không dẫn đầu", báo cáo khẳng định.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Reuters & Devdiscourse)