Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 ở Singapore hồi tháng 8. Ảnh: Reuters

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang nhận được sự thúc đẩy mới khi khu vực mở rộng gấp đôi nỗ lực xây dựng năng lực kỹ thuật số, tờ CNA ngày 4/11 đăng tải bài viết của bà Sanchita Basu Das, nhà nghiên cứu hàng đầu về các vấn đề kinh tế tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) cho biết.

Theo bài viết, ASEAN là thị trường có 642 triệu người, tăng trưởng kinh tế ở mức 5,9%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 3,8%. Đóng góp của ASEAN vào thu nhập toàn cầu tăng từ 1,9% lên 3,5% trong những năm gần đây này.

Một kỷ nguyên mới đang mở ra trong ASEAN, dẫn đến nhu cầu mới mẻ để thúc đẩy mạnh hơn về hội nhập kinh tế. ASEAN gần đây đã chuyển hướng tập trung vào nền kinh tế kỹ thuật số. Chỉ riêng trong năm 2018, các quốc gia ASEAN đã làm việc trên một số hoạt động khác nhau, cụ thể là Cơ chế hải quan 1 cửa ASEAN (ASW), thương mại điện tử và Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN.

Điều này không đáng ngạc nhiên khi trong tổng dân số của ASEAN, khoảng 75%, tương đương 480 triệu người là người dùng internet và hầu như tất cả đều là người dùng điện thoại di động. Hơn 50% dân số ASEAN dưới 30 tuổi, có sự yêu thích lớn hơn đối với công nghệ và giao dịch dựa trên Internet.

Các quốc gia ASEAN cũng đã và đang chú ý đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), nơi mà việc truy cập băng rộng di động là tương đối cao ở hầu hết các quốc gia ASEAN.

Do đó, ASEAN có lý do lớn để phát triển ngành công nghiệp thương mại điện tử, một ngành tương đối nhỏ và tập trung ở các quốc gia ASEAN tiên tiến. Để phát triển ngành công nghiệp này trong khu vực, 10 quốc gia đang làm việc cùng nhau về hệ sinh thái thương mại điện tử, để việc thực hiện giao dịch giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất liền mạch hơn nhưng vẫn an toàn.

Một tương lai, nơi những gã khổng lồ về nền tảng điện tử, chẳng hạn như Amazon, Lazada, Shopee, Zalora và nhiều công ty mới có thể thực hiện hoạt động kinh doanh trong khu vực với chi phí thấp và liền mạch là trong tầm tay.

Trước đó trong năm nay, 5 quốc gia ASEAN, bao gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam cùng thực hiện ASW, có nghĩa là các nhà giao dịch giờ đây chỉ cần gửi một báo cáo với thông tin xuất nhập khẩu mà các nhà quản lý quốc gia ở 5 quốc gia này có thể truy cập thông qua hệ thống điện tử.

Tiếp đó, ASEAN quyết định nâng cao khả năng kết nối khu vực thông qua Mạng lưới các thành phố thông minh. 26 thành phố thí điểm trên 10 quốc gia ASEAN được xác định là các thành phố thử nghiệm, nơi công nghệ và giải pháp kỹ thuật số sẽ được áp dụng để giải quyết ùn tắc giao thông, ô nhiễm, năng lượng bền vững và những thách thức phát triển khác mà các thành phố hiện đại phải đối mặt do đô thị hoá nhanh chóng.

Những nỗ lực của ASEAN trong việc tăng cường hợp tác trên cả nền kinh tế truyền thống và kỹ thuật số có thể giúp tăng cường khả năng cạnh tranh và tăng trưởng của ASEAN theo cách bền vững. Và tầm nhìn mới về kết nối nâng cao này sẽ hỗ trợ thương mại, đầu tư và đổi mới lớn hơn, cần thiết để đảm bảo ASEAN tiếp tục là một khu vực sôi động và có sức bật trong tương lai.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ CNA)