Không biết mình đã có thẻ BHYT

Hồ Thị Huyền Trang, sinh viên năm 1 Trường đại học Sư phạm Huế, cho hay: Nhà em ở Hương Sơn (Nam Đông). Cả nhà đều đã được cấp thẻ BHYT nhưng em không biết. Lúc làm thủ tục nhập học, em đóng hết các khoản tiền do nhà trường quy định. Bây giờ, trường mới thông báo em photo thẻ BHYT, làm thủ tục để nhận lại tiền.

Khám sức khỏe đầu năm cho sinh viên năm 1 Trường đại học Kinh tế Huế

Ông Nguyễn Văn Hợp, cán bộ phụ trách công tác y tế, thuộc Tổ Hành chính – Y tế, Trường đại học Sư phạm Huế cho biết: “Mặc dù trường thông báo cho toàn thể sinh viên, không phải mua thẻ BHYT nếu như thuộc các đối tượng chính sách, xã hội... đã được cấp, song một số em không biết mình đang nằm trong diện hộ nghèo hay cận nghèo nên vẫn nộp tiền mua thẻ BHYT. Hầu hết, sinh viên rơi vào trường hợp này đều là sinh viên năm một”.

Theo đại diện một số trường, sự phối hợp thông tin giữa nhà trường và bảo hiểm xã hội (BHXH) chưa tốt, nhất là công tác truyền thông về BHYT đối với sinh viên. Ông Trương Công Khả, Trưởng phòng Khai thác và thu nợ BHXH tỉnh, cho hay: Nhà trường phải có trách nhiệm rà soát danh sách sinh viên đã được cấp thẻ BHYT hay chưa, sau đó mới gửi trực tiếp lên hệ thống. Tuy nhiên, hầu hết các trường đều gửi danh sách bằng email cho cán bộ chuyên thu của BHXH tỉnh. Khi cơ quan BHXH cập nhật mới phát hiện ra có khá nhiều sinh viên đã có thẻ BHYT nên trả hồ sơ về để các trường làm lại”.

Hiện, các trường đã thông báo đến sinh viên photo bảo hiểm (theo các diện đối tượng chính sách, xã hội, xã bãi ngang…) để nộp, sau đó mới tổng hợp danh sách để gửi BHXH làm thủ tục thoái thu. Các trường sẽ nhanh chóng đốc thúc sinh viên và phối hợp chặt chẽ với BHXH tỉnh để kịp thời điểu chỉnh những sai sót. Sau khi rà soát, BHXH tỉnh sẽ trả tiền về cho các trường, trường có trách nhiệm trả lại cho sinh viên.

Ông Trương Công Khả cũng lưu ý, không phải tất cả sinh viên ở các xã bãi ngang đều được thoái thu trong dịp này. Bởi những xã được công nhận nông thôn mới từ 1/8/2018 chắc chắn sẽ không còn nằm trong diện các xã bãi ngang. Trong khi, thẻ BHYT có giá trị từ 1/1/2019 nên các trường thu bây giờ là hợp lý.

Nhiều thẻ BHYT hết hạn

Lê Quốc Đạt, sinh viên Trường đại học Sư phạm Huế cho biết, khi đến bệnh viện khám bệnh mới phát hiện thẻ BHYT hết hạn. Thời gian chuyển tiếp giữa lớp 12 lên đại học thẻ BHYT của em có giai đoạn bị “gián đoạn” nhưng em không biết làm cách nào để khắc phục.

Nhiều sinh viên có hai thẻ bảo hiểm (ảnh minh họa)

Trường hợp như Lê Quốc Đạt khá nhiều, chủ yếu là sinh viên năm thứ nhất. Theo đại diện các trường, sinh viên thường bị “lủng thẻ” từ cuối tháng 6 đến tháng 9. Ngoài ra, một số trường hợp còn nhầm lẫn thông tin thời hạn 5 năm in trong thẻ nên không tham gia BHYT. Trong thời gian không có thẻ BHYT, sinh viên không khám chữa bệnh được, tuy nhiên, gián đoạn thẻ BHYT dưới 3 tháng vẫn được tính thời gian liên tục. Hiện, một số trường đã đưa địa chỉ tra cứu thông tin về BHYT để sinh viên tiện theo dõi. Ông Trương Công Khả thông tin.

Ông Trần Võ Văn May, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Tổ trưởng tổ đại lý BHYT sinh viên, Trường đại học Nông lâm Huế cho biết, cách thu và quy định nộp BHYT còn rắc rối khiến nhiều sinh viên không mặn mà. Sinh viên đầu khóa nộp 15 tháng từ khi vào học, trong khi, sinh viên năm 2 trở đi nộp 12 tháng (từ tháng 1). Khi đăng ký nộp BHYT, sinh viên phải kê khai thông tin nộp của các thành viên trong gia đình, sinh viên chưa hiểu hết quyền lợi của BHYT... Những nguyên nhân này khiến nhiều trường có xu hướng giảm tỷ lệ sinh viên mua thẻ BHYT.

Thực tế vẫn có tình trạng sinh viên cố tình không nộp BHYT dù đó là bảo hiểm bắt buộc. Các chế tài xử lý vẫn còn nhẹ. Theo ông Trần Võ Văn May, các ngành liên quan chưa có quy định xử phạt khi sinh viên không tham gia BHYT. Trong khi quy định của ĐH Huế đưa ra cũng chỉ trừ 5 điểm rèn luyện (trong thang 100 điểm rèn luyện) vẫn còn nhẹ nên nhiều sinh viên cố tình chưa tham gia.

Bài, ảnh: Hữu Phúc - Huế Thu