Chị Hồ Thị Nhép (ở giữa) cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác dân vận với cán bộ xã

Chúng tôi có dịp cùng chị Nhép đến thăm 2 gia đình phát sinh mâu thuẫn, bất hòa từ những điều nhỏ nhặt trong quá trình sống “chung vách”. Sau khi được chị Nhép kiên trì phân tích cái đúng, cái sai của mỗi bên, cả hai gia đình vui vẻ bắt tay giảng hòa và không quên cảm ơn chị đã giúp đỡ, ngăn không để cho vấn đề thêm nghiêm trọng.

Chị Nhép kể, những xích mích giữa các hộ dân không hiếm gặp do trình độ, nhận thức pháp luật của bà con còn hạn chế. Những lúc như vậy, thành viên tổ hòa giải của thôn luôn có mặt kịp thời để giải thích, vận động bà con.

Có trường hợp một hộ dân chặn lối đi vào rừng nằm trong phần đất của gia đình khiến bà con xung quanh gặp khó khăn khi di chuyển vào rừng. Chị Nhép đã dùng nhiều cách tuyên truyền, vận động khác nhau nhưng đều không hiệu quả. Cuối cùng, chị tìm gặp những người cao tuổi có tiếng nói trong thôn, cùng  sự giúp đỡ của cả cộng đồng thì việc vận động mới thành công. Hay gần đây, chị đã vận động 4 hộ dân chấp nhận di dời để nhường đất xây dựng nhà gươl truyền thống các dân tộc xã Hồng Hạ với diện tích gần 1ha. Sau quá trình làm công tác tư tưởng, giải thích mục đích chung tay vì cộng đồng cùng phát triển, 4 hộ đều vui vẻ đồng thuận.

“Công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất khó, đòi hỏi phải thật sự am hiểu văn hóa, phong tục cũng như mềm dẻo, linh hoạt mới đạt kết quả”, chị Hồ Thị Nhép chia sẻ. Trước nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết của địa phương, chị đã phối hợp với cán bộ y tế  xã tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền kiến thức cho phụ huynh lẫn con em trong gia đình. “Mưa dầm thấm lâu”, qua những câu chuyện cụ thể, bà con dần hiểu biết hơn, đến nay trên địa bàn thôn không ghi nhận bất cứ trường hợp nào vi phạm.

Ngoài ra, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn được chị Nhép tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt thông qua các buổi họp thôn thường xuyên trong tháng. Tại đây, mọi thắc mắc, phản ánh của người dân đều được ghi nhận và giải đáp cặn kẽ, vấn đề quan trọng được chuyển lên cấp trên để xử lý. Theo chị Nhép, phương pháp dân vận hiệu quả nhất là phát huy vai trò những người cao tuổi, người có uy tín trong thôn. Họ chính là lực lượng tuyên truyền vừa gần gũi, vừa có uy tín với bà con, nhất là trong các vấn đề xóa bỏ hủ tục, thay đổi nếp sống sinh hoạt.

Hiện nay, chị Nhép đang tích cực vận động người dân thôn Cân Tôm áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt để cải thiện năng suất, giúp phát triển kinh tế, từng bước cải thiện cuộc sống.

Thôn Cân Tôm hiện có 112 hộ, 422 nhân khẩu; trong đó có 21 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 18,75%). Điều đáng ghi nhận là diện mạo nông thôn mới nơi đây ngày càng khởi sắc; nhà cửa xây dựng kiên cố, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao…

Năm 2018, chị Hồ Thị Nhép vinh dự được Huyện ủy A  Lưới tặng giấy khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu trong 5 năm.

Bài, ảnh: Minh Trang