Được bố trí thùng đựng rác và ý thức giữ gìn vệ sinh chung, khu vực chợ Thủy Diện cạnh nơi tàu thuyền ra vào không còn rác thải

Coi trọng vệ sinh môi trường

Sau cơn bão lịch sử năm 1985, thôn Thủy Diện là một trong ba thôn đầu tiên của huyện Phú Vang được thành lập để định cư cho hàng trăm hộ dân sống trên sông nước ven đầm phá Tam Giang. Đến nay, thôn Thủy Diện có 231 hộ với khoảng 2.200 nhân khẩu.

Khác với cuộc sống nghèo khó, xóm làng nhếch nhác cách đây khoảng 10 năm, hiện, hầu hết trong thôn đều là nhà kiên cố, cao tầng, có khu vệ sinh khép kín, sân vườn sạch đẹp. Đường làng, ngõ xóm, luồng lạch thủy đạo không còn ngập rác. Thùng rác được bố trí tại các điểm trung tâm, chợ, nơi tập trung đông dân cư. Hoạt động thu gom, vận chuyển rác trong thôn được duy trì 3 lần/tuần, nên không còn rác ứ đọng.

Ông Trần Lạnh, Trưởng Ban Mặt trận khu dân cư thôn Thủy Diện cho biết, thực hiện đề án thu gom rác thải sinh hoạt của huyện, xã, khoảng 3 năm lại đây, người dân chấp hành việc thu gom rác thải. Nghề nghiệp chính của người dân là nuôi trồng thủy sản theo hình thức chắn sáo, không dùng thức ăn công nghiệp, nên môi trường nước trong vùng không bị ô nhiễm.

Bà Lai, người dân thôn Thủy Diện trò chuyện, từ khi được hướng dẫn phân loại rác và lợi ích của việc làm này, không chỉ gia đình bà mà nhiều nhà trong xóm đều đổ riêng thức ăn thừa vào xô để cho hộ chăn nuôi gia súc. Lượng rác còn lại chưa tới 3kg mỗi ngày được cho vào sọt rác hoặc bao, đợi xe đến thu gom.

Phát huy nhóm “tự quản”

Ngoài ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân chuyển biến tích cực, điều đáng ghi nhận là thôn đã hình thành nhóm tự quản, giám sát hành vi vi phạm, thiếu ý thức để kịp thời phê bình, nhắc nhở.

Ông Trần Lạnh bày tỏ, nhờ tai mắt và ý kiến của những người tự nguyện giám sát, quản lý trong thôn, việc xả rác thải của một số người thiếu ý thức đã kịp thời được chấn chỉnh, nhắc nhở. Mỗi xóm có một người. Xóm trên có ông Hà Kế, xóm giữa có ông Trần Nghịch, xóm dưới có ông Nguyễn Tước. Những người này tự nguyện đứng ra quản lý, nhắc nhở trực tiếp nếu bắt gặp ai “bê bối”, xả rác bừa bãi hoặc báo cáo lại cho ban điều hành thôn để góp ý vào những cuộc họp thôn. Nhờ đó, mấy năm nay, thói quen bạ đâu vứt đó của một bộ phận người dân giảm hẳn, những điểm đổ rác tự phát ở thôn Thủy Diện không còn. Nhất là tình trạng xả rác, bao bì ni lông trên các ao, hồ, chuôm nuôi trồng thủy sản đã được chấn chỉnh.

Mặc dù làm công việc không chuyên, nhưng từ khi có “tiếng nói” của nhóm tự quản, tình trạng xả rác bừa bãi của người dân đã hạn chế, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường từ đầu làng, ngõ xóm và trên mặt nước được chấp hành nghiêm túc.

Trước đây, ô nhiễm nhất là khu vực chợ của thôn Thủy Diện. Do chợ nằm ngay bờ đầm phá, cộng thêm đường thủy đạo với nhiều ghe tàu ra vào thường xuyên, nên bao nhiêu rác thải đều được tập kết tại đây. Hiện nay, tại khu vực chợ được bố trí những thùng rác cỡ  lớn. Một số vị trí khác như: gần cổng chào của thôn, đầu đường xóm... đều được đặt thùng rác hợp lý, tạo thuận lợi cho việc tập kết rác vãng lai.

Theo đánh giá của chính quyền địa phương, 6 năm trở lại đây, thôn Thủy Diện khởi sắc trên cả ba mặt: kinh tế, cảnh quan môi trường và an ninh trật tự.

Ông Lại Phước Khương, Phó Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Phú Vang nhận xét, nhờ làm tốt việc phân loại rác, bảo quản rác đảm bảo vệ sinh trong khu dân cư thôn Thủy Diện, nên đã tạo thuận lợi cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải, giảm ô nhiễm môi trường tại các điểm trung chuyển cũng như trong các thôn xóm do rác vương vãi. Sắp tới, huyện sẽ tổ chức nhân rộng phân loại rác tại nguồn và làm phân hữu cơ tại các thôn khác như Lộc Sơn, Lê Bình, Diên Đại, Quảng Xuyên của xã Phú Xuân.

Bài, ảnh: Hoài Thương