Vươn lên

Chị Trần Thị Sương sinh năm 1973. Lớn lên trên triền cát thôn 3 đầy nắng, gió và xương rồng, chị đã sớm hôm quen với lao động tay chân. Năm 1994, sau khi lập gia đình, đôi vợ chồng trẻ vào Nam lập nghiệp. Ngậm ngùi, người phụ nữ 45 tuổi, kể: “Vào trong đó đất chật người đông, phải khó khăn lắm vợ chồng tôi mới nuôi được đàn gà, bầy lợn. Ngôi nhà cũng là của bà con, mọi chi phí chỉ trông chờ vào vốn chăn nuôi ít ỏi”. Ở được một thời gian, tai ương ập đến gia đình nhỏ, khi đứa con đầu lòng mất đi, gia cảnh nhà chị suy sụp.

Niềm vui lại đến khi đôi vợ chồng trẻ đón đứa con thứ hai chào đời. Làm đủ việc nhưng 8 năm trời chẳng dư dả, người phụ nữ mạnh mẽ này đã quyết chí cùng chồng trở về, xây dựng tương lai mới nơi quê cha đất tổ. Không thể kể hết những công việc mà người phụ nữ tảo tần này đã trải qua. Vào Nam may áo gia công, ra quê thì bán tạp hóa, phụ bán quán nhậu ven biển, bán cháo, bán chè, nuôi lợn, nuôi gà, nấu rượu… Mỗi giai đoạn, chị Sương lại dành dụm từng đồng đổ vào bầy lợn. “Ban đầu hai vợ chồng mua chịu một cặp lợn của chị dâu. Rồi anh Sang phụ đi biển, tôi thì bán buôn, xin thân chuối, nấu rượu để dành bã hèm nuôi lợn. Đến chừng trả đủ tiền, tôi lại tăng đàn lên 3 con, rồi 5 con…”, chị Sương nói.      

Không phụ công sức, chị Sương dần dần trụ vững với nghề, bắt đầu mua đất, mở rộng quy mô đầu tư. Qua 8 năm chăn nuôi nhỏ lẻ, từ năm 2010, người phụ nữ quyết đoán này đã cùng chồng lập trang trại. Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay chị Trần Thị Sương đã sở hữu 20 con lợn nái, từ 100 - 120 lợn thịt. Ngoài ra, gia đình nhỏ còn mở rộng quy mô quỹ đất, nuôi gà thả vườn với số lượng lên đến 2.000 con.

Bà Võ Thị Cồn Tiên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vinh Mỹ, cho biết: “Không những năng nổ, nhiệt tình trong các phong trào hội, chị Sương còn là tấm gương làm kinh tế giỏi, xứng đáng để các chị em học tập. Bản thân tôi cũng rất ngưỡng mộ sự tần tảo, chịu thương chịu khó từ người hội viên này”.

Chân tình

Công việc thường ngày của người phụ nữ này bắt đầu từ 3 giờ sáng. Quần quật cho lợn, gà ăn, vệ sinh chuồng trại, nhặt trứng, đi buôn lợn… trung bình mỗi ngày chị Sương chỉ có 4 tiếng để ngủ. “Nhiều hôm 11 giờ khuya vợ chồng mới ăn cơm. Việc nhiều, vất vả nhưng cũng… quen rồi”, chị chân tình nói.

Để hiện đại hóa quy trình chăn nuôi, gia đình chị đã đầu tư hệ thống máng ăn tự động, hệ thống nước sạch. Ngoài ưu điểm đảm bảo vệ sinh, việc tự động hóa còn giúp trang trại tiết kiệm thời gian, lượng thức ăn hao phí. Với đàn gà, chị Sương đang sử dụng 4 máy ấp trứng. Vừa cung cấp gà thịt cho nhà hàng, người phụ nữ này còn tự tái đàn gia cầm, đảm bảo quy trình nghiêm ngặt ngay từ khâu đầu vào.

Không chỉ kinh nghiệm, anh Mai Đình Quang, chồng chị còn đầu tư lâu dài cho công việc của gia đình bằng cách học bài bản về phòng chống dịch bệnh và tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. “Thuận vợ, thuận chồng”, công sức của người phụ nữ hiền lành cùng chồng đã được đền đáp xứng đáng. Hàng năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, mô hình chăn nuôi của chị Sương cho thu lãi lên đến 150 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ tại vùng quê còn nhiều khó khăn như Vinh Mỹ.

“Không chỉ nỗ lực bản thân, nhờ sự tử tế của rất nhiều người mà gia đình tôi mới có ngày hôm nay nên tôi muốn lan tỏa sự tử tế đó”. Với tâm niệm đó, người phụ nữ sinh năm 1973 đã hỗ trợ rất nhiều cho những chị em phụ nữ muốn làm giàu từ chăn nuôi. Từ nay, trên vùng cát bỏng Vinh Mỹ đã có thêm “đóa xương rồng” cứng cỏi, “bông hoa” ấy có tên Trần Thị Sương.

Mai Huế