Phát biểu tại Quốc hội sáng nay (5/11) về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho rằng, đây là một hiệp định thương mại tự do toàn diện và tiến bộ, tiêu chuẩn cao và minh bạch.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: CPTPP rất toàn diện vì hiệp định này không chỉ thuần túy về mặt thương mại, không chỉ bàn về thuế quan mà đề cập đến cả đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, lao động, thị trường dịch vụ...
Thành tựu của Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới và thị trường lớn đầy tiềm năng được cho là "nam châm" thu hút sự chú ý của các thành viên tham gia CPTPP. (Ảnh minh họa)
CPTPP tiến bộ ở chỗ không phân biệt khoảng cách giàu, nghèo giữa các quốc gia thành viên, đồng thời quan tâm rất nhiều đến doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều đó thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam, ông Ngân nêu rõ.
Các nước đã nhìn thấy tiềm năng của Việt Nam
Đại biểu đoàn TP HCM đặt ra câu hỏi: Tại sao các nước mời Việt Nam tham gia vào CPTPP? và đưa ra câu trả lời là các nước đã nhìn thấy tiềm năng của Việt Nam - đất nước đã thành công sau hơn 30 năm đổi mới. Bên cạnh đó, họ muốn nhắm tới thị trường 95 triệu dân của Việt Nam. "Họ muốn đầu tư vào Việt Nam và coi đây là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của họ", ông Ngân nói.
Ông Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, tham gia CPTPP Việt Nam có rất nhiều cơ hội vì thị trường này rất lớn, trên 500 triệu dân. Tuy nhiên, đại biểu này lưu ý, đây là thị trường khó tính vì thu nhập bình quân đầu người là trên 30.000 USD, vì thế, Việt Nam khi xuất khẩu phải quan tâm tới chất lượng sản phẩm và các yêu cầu kỹ thuật thì thị trường này.
Tán thành phê chuẩn CPTPP, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) khẳng định, Hiệp định tạo ra yếu tố tinh thần và thể chế, song còn rất nhiều điều cần thực hiện, cần đánh giá, trong đó có các quan hệ quốc tế.
Ông Nhưỡng nhấn mạnh sự cần thiết phải hướng dẫn tổ chức thực hiện đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân, giải quyết các tranh chấp thương mại phát sinh trong quá trình thực hiện.
Có một số khá niệm cần làm rõ trong hiệp định này như "công nhận tương đương", "thời gian hợp lý", "thời gian phù hợp"... mà nếu không rà soát để hướng dẫn, và tham khảo những án lệ quốc tế có liên quan đến xung đột, thì khi xảy ra các tranh chấp, xung đột thương mại thì Việt Nam không chủ động được, ông Nhưỡng cho hay.
Đại biểu đoàn Bến Tre cũng đề nghị cần nâng cao vai trò của tòa án tối cao, tổ chức tư vấn, luật sư, đồng thời nâng cao vai trò của cơ quan ngoại giao và các thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài.
Trước đó, trong tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn CPTPP, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, việc tham gia và sớm phê chuẩn CPTPP sẽ giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa – chính trị quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cần kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức
Sớm phê chuẩn CPTPP thể hiện cam kết mạnh mẽ về đổi mới và hội nhập của Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT)
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết Hiệp định CPTPP có nhiều điều khoản phù hợp với Việt Nam hơn. "Sức ép của CPTPP nhẹ nhàng hơn so với TPP khi chúng ta thực hiện thỏa thuận vì các nước thành viên có những thỏa thuận riêng để có thể tạm hoãn chậm thời gian thực hiện cam kết và tạo ra ràng buộc linh hoạt hơn", ông Cường nói.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường lưu ý, dù có những chính sách tạm hoãn linh hoạt, song đây cũng là thời điểm cần thiết để Việt Nam tiếp tục điều chỉnh những điều kiện trong nước chưa phù hợp về thể chế, luật pháp, đổi mới công nghệ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để phù hợp với CPTPP.
Còn đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - ví von, mỗi quốc gia trong khối CPTPP như những con thuyền ra khơi song hành cùng nhau, vai trò của Chính phủ Việt Nam là làm sao phải giữ buồm con thuyền theo hướng chiều gió đi lên, để doanh nghiệp không bị bỏ lại phía sau, vượt lên cùng với các nước trong khối.
Ông Thân nhận định, hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhưng vẫn tự phát, kể cả doanh nghiệp lớn, chưa tập trung đầu tư vào công nghệ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, có ý kiến bày tỏ băn khoăn về chênh lệch trình độ phát triển kinh tế Việt Nam với các nước thành viên của CPTPP còn khá lớn và cho rằng hiệp định mang lại nhiều cơ hội nhưng đi cùng theo đó là những rủi ro và thách thức đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin.
Do vậy, ông Giàu cho rằng, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.
Thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và đầu tư thực hiện vào tháng 9/2017, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu (XK) của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. |
Theo VOV