Không khí ô nhiễm nặng ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AP

Nghiên cứu đã theo dõi sự phát triển của những đứa trẻ ở Thượng Hải từ sơ sinh đến 3 tuổi để hiểu được những ảnh hưởng của việc tiếp xúc với các hạt bụi mịn (PM2.5), bao gồm 124 trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) và 1.240 trẻ em khỏe mạnh ở các giai đoạn, kéo dài trong khoảng thời gian 9 năm, để kiểm tra mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và ASD.

Theo Sciencedaily, đây là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra sự ảnh hưởng của việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí đối với chứng ASD trong giai đoạn đầu của trẻ ở một nước đang phát triển, sau khi các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra sự liên kết giữa tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong lúc mang thai với chứng bệnh này.

"Nguyên nhân của chứng tự kỷ rất phức tạp và chưa được hiểu đầy đủ, nhưng các yếu tố môi trường ngày càng cho thấy có mối liên quan, ngoài yếu tố di truyền và các yếu tố khác", ông Zhiling Guo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết. “Bộ não đang phát triển của trẻ nhỏ dễ bị phơi nhiễm các chất độc hại trong môi trường hơn, và một số nghiên cứu cho rằng điều này có thể ảnh hưởng đến chức năng não và hệ thống miễn dịch”, ông nói thêm.

Ô nhiễm không khí là mối quan tâm lớn của nhân loại và ước tính có thể gây ra tới 4,2 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu, theo số liệu từ WHO. Các chất gây ô nhiễm ngoài trời góp phần gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm ở nhiều quốc gia, bao gồm ở Trung Quốc và Ấn Độ, nhất là ở các khu vực đông dân cư.

Theo Phó Giáo sư Yuming Guo từ Đại học Monash ở Úc, ô nhiễm không khí toàn cầu đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn và không có mức phơi nhiễm an toàn.

"Những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khoẻ do ô nhiễm không khí được ghi nhận rõ ràng, cho thấy không có mức độ phơi nhiễm an toàn. Ngay cả khi tiếp xúc với một lượng rất nhỏ các hạt bụi mịn cũng có sự liên quan đến việc sinh non và một loạt các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác, bao gồm cả bệnh tim", Phó giáo sư Guo nói.

Nghiên cứu này khảo sát sự ảnh hưởng tới sức khỏe của 3 loại hạt vật chất (PM1, PM2.5, PM10) - các hạt trong không khí là sản phẩm phụ của khí thải từ các nhà máy, ô nhiễm xe cộ, hoạt động xây dựng và bụi đường. Các hạt càng nhỏ càng có khả năng thâm nhập vào phổi và vào máu gây ra một loạt các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Sciencedaily & Devdiscourse)