Đường Nguyễn Phúc Thụ nứt nẻ nặng

Theo quan sát, dọc hai bờ sông Bạch Yến, nhiều cây cối ngả nghiêng nằm sát mặt nước, một số nơi đất lở và trôi xuống sông. Nhiều đoạn sạt lở đã “ăn” sâu vào nhà dân.

Có mặt tại đường Nguyễn Phúc Thụ, chúng tôi nhận thấy nhiều vết nứt chạy dọc con đường hẹp, kéo dài hơn cả 100 mét ngay sát dòng sông khiến hàng chục hộ dân đi lại khó khăn và lo sợ. Nhiều chỗ xuất hiện “hàm ếch” lớn.

“Sạt lở ở đây đã lâu, mỗi ngày đất cạnh sông lún một ít, nhất là khi mưa, đi lại rất sợ và xói mòn đất. Con đường cũng hư hỏng nặng hơn...”, chị Nguyễn Thị Mai (sống cạnh sông Bạch Yến) chia sẻ.

Cạnh đó, nền nhà của ông Nguyễn Tấn Sáu (đường Lý Nam Đế) cũng sụt lún nặng, nhiều vết nứt chạy dài trên tường nhà do bờ sông sạt lở. “Mỗi năm sụt lún một ít. Tôi đổ bao cát cạnh sông để cho nền nhà khỏi sập. Lo quá, khi mưa lớn thì không biết làm sao”, ông Sáu nói.

Ông Nguyễn Văn Mứt (76 tuổi, kiệt 80/20 đường Nguyễn Hoàng) lo lắng: “Hơn một tháng trước, mưa to làm bụi tre rậm rơi xuống sông. Ai ngang qua cũng sợ vì sạt lở đã ăn sâu vào đường dân sinh, chắc vài năm nữa đường sẽ mất thôi. Một số đất của dân trồng hoa màu cũng mất dần qua từng năm...”.

Ông Trần Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Long cho biết, sông Bạch Yến kéo dài qua nhiều phường trên địa bàn thành phố và tình trạng sạt lở kéo dài hơn 10 năm qua. Những năm trước không đáng lo, nhưng thời gian gần đây thì sạt lở nhiều hơn, khu vực trên địa bàn phường là nặng nhất.

“Ở đường Nguyễn Phúc Thụ vừa rồi đã tu sửa mấy đợt, xây bờ kè nhưng cũng không ăn thua. Đoạn chợ Thông gần nhà ông Sáu cũng sạt lở, nhiều hàm ếch và thời gian tới nếu không gia cố thì chợ sẽ bị ảnh hưởng.”, ông Việt thông tin.

Theo ông Nguyễn Việt Bằng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Huế, sông Bạch Yến có một số đoạn đã được gia cố kè ổn định và đầu năm 2019 sẽ tiếp tục triển khai phòng chống sạt lở ở những nơi nguy hiểm.

Bài, ảnh: THẾ ANH