- Một hôm, mình đang ngủ say thì nghe chuông điện thoại reo. Đầu dây bên kia là giọng một cậu học trò, vẻ tuyệt vọng. Em ấy kể, đang trên đường bắt xe để đi đến một nơi nào đó mà em chưa hình dung được. Em không muốn về nhà nữa vì cả nhà nghi em ăn cắp tiền để chơi game. Đêm ấy, mình phải thuyết phục, giải thích cho cậu học trò gần 30 phút, sau đó liên lạc với gia đình đến đón em về-chị nhớ lại.

Một lần khác, cũng lúc đã khuya, chị giật bắn vì điện thoại đổ. Lần này là một học sinh nữ. Em ấy đang gặp vấn đề với gia đình. Một nỗi tổn thương lớn khi bố em, không ngờ lại có tình cảm với chính sinh viên dạy kèm con mình. Thất vọng, chán nản, em bảo không muốn sống nữa, không còn niềm tin vào ai. Đó là tình huống khó xử nhất mà chị từng gặp. Sau khi khuyên can học trò, chị giải thích cho cô bé rằng cuộc sống, đôi khi không hẳn mọi thứ đều trên một đường thẳng. Như ba em vậy, có thể đi chệch hướng nhưng em phải biết tha thứ.

Sau tối ấy, chị lên kế hoạch gặp riêng, nói chuyện với bố của cô bé. Một công việc rất khó bởi mức độ nhạy cảm nhưng may sao, ông bố ấy đã sực tỉnh, dù việc hàn gắn vết thương ông gây ra cho con gái không phải dễ dàng.

Chuyện chị kể đã lâu nhưng tôi chợt nhớ lại khi mới đây, đọc báo, biết một trường hợp đau lòng xảy ra ở Hà Nội cách đây 14 năm vừa được báo chí hé lộ. Trong bài báo, người mẹ ấy 14 năm qua đã khóc cạn nước mắt, nuôi hy vọng mong manh sẽ tìm thấy cô con gái của mình. Khi ấy, cô bé 9 tuổi, đi học về với món đồ chơi mới mua. Em bị bố truy hỏi lấy tiền đâu để mua và la mắng. Giận cha và sợ, em chạy ra khỏi nhà khi đã gần nửa đêm và mất tích từ đó.

Đầu năm học này, trong buổi họp phụ huynh đầu năm, cô giáo chủ nhiệm của con dành khá nhiều thời gian để nói với phụ huynh về những điều các em gặp phải khi bước vào tuổi mới lớn. “Đừng bắt các em học nhiều. Bố mẹ hãy quan tâm cho các em ngủ sớm, ăn thật no và quan tâm đến mỗi niềm vui, nỗi buồn của con hàng ngày. Ở tuổi này, các em rất dễ tổn thương, dễ tự ái, rất nông nổi. Đôi khi chỉ một hiểu lầm nhỏ từ bạn bè, người lớn cũng xảy ra chuyện”, cô giáo chia sẻ với phụ huynh.

Ngay cả bản thân, đôi khi tôi cũng giật mình vì sự áp đặt, độc đoán của mình. Ngủ đi con. Ăn đi con. Uống đi con. Học đi con. Tắm đi con. Tắt trò chơi đi con...là những mệnh lệnh khô khan, đơn điệu mà hàng ngày, nhiều khi chúng ta chỉ có chừng ấy ngôn ngữ để giao tiếp với con.

Không chỉ có học và nghe những mệnh lệnh, trẻ con cần hơn sự gần gũi, tin cậy và tôn trọng từ người lớn. Sự áp đặt, độc đoán của cha mẹ, người lớn đôi khi sẽ dẫn đến những hậu quả không thể lường trước,  với tâm lý tuổi học trò vốn bốc đồng và dễ thương tổn.

Nhật Nguyên