Cửa Ngăn, nơi du khách vào ra Đại Nội cùng với lưu lượng phương tiện lưu thông đông đúc trong khi lối vào chật hẹp. Ảnh: P. Thành

Giải pháp cho Thành Nội

Tôi chưa thống kê được, hiện Thừa Thiên Huế có bao nhiêu điểm đến đủ điều kiện để đón xe trên 30 chỗ? Và tại những nơi này, có bao nhiêu nhà vệ sinh đạt chuẩn, cung ứng các nhu cầu thiết yếu của du khách ra sao? Nếu không đáp ứng những nhu cầu tối thiểu này thì thử hỏi có hãng lữ hành danh tiếng nào dám mạo hiểm đưa khách đến?

Vài ba năm tới, di tích ở  Đại Nội - Huế sẽ đón bao nhiêu khách? Nhưng chỉ với mức như hiện nay thì con đường dẫn vào khu vực này đã trở nên quá tải. Xin đơn cử, theo lịch trình, khách muốn vào Đại Nội phần lớn đều xuất phát từ bến xe Nguyễn Hoàng với 2 lựa chọn: đi bộ hoặc chuyển tiếp bằng xe điện để vào cửa Thể Nhơn hay còn gọi là cửa Ngăn. Cửa Ngăn được xây dựng từ đầu thế kỷ 19, rộng chưa đến 4m, ngày nay đã trở thành "chiếc áo" quá chật trước đà gia tăng dân số của 4 phường nội thành (xấp xỉ gần 6,5 vạn người) và hàng ngàn lượt khách du lịch đến tham quan Đại Nội mỗi ngày. Cửa 2 chiều Đông Ba cũng lâm vào cảnh tương tự. Trong chuyến khảo sát mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ đã đặt vấn đề và yêu cầu ngành giao thông cần “mở rộng đường đến các di tích; nghiên cứu cơ chế cho giao thông ở nội thành, có thể hạn chế phương tiện trên một số tuyến; quan tâm đầu tư hệ thống giao thông tĩnh, nhất là bãi đỗ xe ở các di tích.”

Tôi xin đề xuất chính quyền nên nghiên cứu xây áp bên cầu cửa Ngăn một lề đi bộ rộng chừng 1 - 1,2m. Kiểu dáng, vật liệu phù hợp với kiến trúc cây cầu hiện có. Còn ở cửa Ngăn, phía thành giáp cửa nên mở một vòm tương tự như lối đi cửa Tả Dịch môn ở dưới lầu Ngũ Phụng để vào Đại Nội. Việc làm này, chắc chắn sẽ đụng chạm đến Luật Di sản văn hóa nên cần mở diễn đàn hiến kế, tổ chức phản biện khoa học và thảo luận bình đẳng nhằm tạo sự đồng thuận, sau đó mới xin ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, bởi xét cho cùng di tích văn hóa tồn tại là để phục vụ con người.

Khác với Hội An (di tích - nhà cổ chủ yếu là của dân nên du lịch phố cổ càng phát triển họ càng hưởng lợi), người dân Thành Nội (nơi có khu vực Đại Nội - di tích văn hóa do Nhà nước quản lý) lại chịu khá nhiều thiệt thòi kể từ năm 1993 khi Quần thể Di tích Cố đô Huế trở thành Di sản văn hóa của nhân loại. Để bảo vệ di sản này, theo quy hoạch chi tiết Khu Kinh thành Huế, người dân ở Thành Nội, khi xây dựng, chiều cao công trình không được vượt quá 11m. Một số tuyến đường, khi xây mới công trình không chỉ bị điều chỉnh về độ lùi mà còn hạn chế cả mật độ xây dựng… Đó là chưa kể hàng trăm hộ dân ở khu Lục bộ, do bị nằm trong khu vực I bảo vệ di tích, nếu muốn xây nhà 2 tầng không vượt quá 11m tránh lũ, theo quy định phải xin ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch.

Mặc dù được xây dựng lại dưới thời Thành Thái, nhưng sau năm 1945 thì nó nhanh chóng bị hủy hoại hoàn toàn. Dấu tích gốc còn lại rất hiếm hoi, chỉ còn hai nơi là Thượng thư đường Bộ Lại và Thượng thư đường Bộ Công. Chúng tôi đề nghị giữ lại hai nơi này trong khu vực I, tiếp tục nghiên cứu và tương lai có thể phục hồi. Các khu vực còn lại đề nghị đưa sang khu vực 2, để tạo điều kiện sống cho người dân vốn đã định cư, xây cất nhà cửa qua mấy thế hệ tại đó.

Thành lập hội đồng tư vấn, phản biện

Là vùng đất có nhiều di tích văn hóa lịch sử và lắm cảnh quan đẹp nên thời gian qua ở Huế đã từng xảy ra xung đột giữa bảo tồn và phát triển. Muốn hài hòa, theo đề xuất của nhiều người, Huế nên thành lập một Hội đồng tư vấn và phản biện. Thừa Thiên Huế có Liên hiệp Các Hội khoa học kỹ thuật và văn học nghệ thuật khá mạnh, nơi tập hợp nhiều trí thức,nhà khoa học tự nhiên và xã hội, văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu uyên thâm trên nhiều lĩnh vực nên có thể phản biện nhiều lĩnh vực mà Huế cần tham vấn.

Điều này là phù hợp, bởi cả hai tổ chức này đang là thành viên của UBMTTQVN Thừa Thiên Huế. Một khi đã tham vấn, phản biện, thì chuyện đúng, sai; nên và không nên hoặc làm như thế nào cho phù hợp… đều căn cứ vào luận cứ khoa học chứ không bằng cảm tính. Một khi đã được sự đồng thuận và khi triển khai, nếu có ý kiến  góp ý xác đáng thì chính Hội đồng tham vấn, phản biện ấy phải lên tiếng tiếp thu hoặc giải thích khi có ý kiến trái chiều để mọi người tường minh, tránh tình trạng đôi co, thậm chí gây tổn thương cho nhau hoặc đùn đẩy cho nhà đầu tư.

Nếu không tìm ra giải pháp nhằm “ổn định tư tưởng” theo tôi, Huế khó mà giàu lên được, bởi như tâm sự của TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế: “Chúng tôi cũng có phương án tìm những tập đoàn lớn, đủ mạnh, có kinh nghiệm về hoạt động dịch vụ và có ý thức tôn trọng văn hóa, di sản để thương lượng, đàm phán để có thể giao cho họ khai thác ở quy mô lớn hơn. Nhưng cho đến nay chưa có doanh nghiệp nào chính thức đặt vấn đề với chúng tôi. Vì khai thác di sản là một lĩnh vực rất nhạy cảm, báo chí, dư luận hết sức quan tâm. Chỉ cần xảy ra một sai sót nhỏ cũng có thể tạo nên luồng dư luận lớn và nhiều khi, lợi bất cập hại, gây ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp”.

Phạm Hữu Thu