Ban chấp hành Hội Hữu nghị Việt - Nga nhiệm kỳ 2017 - 2022
1. Nhớ về những năm tháng học tập và làm việc tại đất nước được xem là quê hương thứ hai, bà Đặng Thị Thùy Dương, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh kể, thời điểm ấy, bà chỉ mới 18 tuổi, độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Giữa nơi đất khách quê người lại khác biệt ngôn ngữ, nhiều lúc bản thân cảm thấy lạc lõng, cô đơn, nhưng những người mẹ, người chị Nga đã tận tình giúp đỡ bà như thành viên trong gia đình. Chính những năm tháng đó đã ảnh hưởng sâu sắc, vun đắp tâm hồn, tính cách của bà mãi cho đến nay.
Bây giờ, có dịp đặt chân đến nhiều nước trên thế giới, nhưng đối với bà Thùy Dương, vẫn mãi còn đó tình cảm ấm áp, chân thành của người dân Nga. Một kỷ niệm bà Dương mãi không quên là trong một lần trở lại, bà ngỏ ý tìm mua chiếc đồng hồ Poljot gốc để tặng chồng. Dù tiệm đồng hồ ấy có một chiếc tái bản giống y hệt nhưng vẫn sẵn sàng hướng dẫn bà đến các tiệm đồ cổ để tìm mua cho bằng được. Vậy mới thấy, con người Nga luôn nhiệt tình, thân thiện dù với bất kỳ ai, đến từ nơi nào.
Năm 2007, bà Thùy Dương thành lập khách sạn Volga, cái tên khiến người nghe cảm nhận được tình yêu nước Nga mãnh liệt từ chủ nhân của nó. Đối với bà, đây vừa là nơi lưu giữ kỷ niệm vừa là nơi giao lưu, gặp gỡ du khách Nga đặt chân đến Huế.
Khách sạn Volga dần trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách Nga, vốn nổi tiếng với người chủ thông thạo tiếng Nga, là “hướng dẫn viên” nhiệt tình giới thiệu, quảng bá văn hóa, đất nước và con người Việt.
2. Thạc sĩ Lại Thị Minh Nguyệt, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa tiếng Nga Trường đại học Ngoại ngữ Huế chia sẻ, hiện nay, tiếng Nga không còn là ngôn ngữ được giới trẻ yêu thích, nhưng bản thân cô vẫn luôn nỗ lực truyền cảm hứng, động viên những sinh viên đã “trót yêu” ngôn ngữ phức tạp nhưng không kém phần gần gũi, thân quen này.
Những thế hệ gắn bó với nước Nga cùng chụp ảnh lưu niệm tại buổi giao lưu gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 101 năm Cách mạng tháng Mười Nga
Với vai trò Chi hội trưởng Hội Hữu nghị Việt - Nga Trường đại học Ngoại ngữ Huế, cô Minh Nguyệt là cầu nối tích cực giữa hội và các sinh viên; qua đó, tiếp nhận các trường hợp khó khăn cần giúp đỡ và hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động ngoại khóa của khoa nhằm "giữ lửa”, vun đắp tình yêu của sinh viên với tiếng Nga.
Nhân kỷ niệm 101 năm Ngày Cách mạng Tháng Mười Nga, chi hội đã lên kế hoạch phối hợp với Khoa tiếng Nga tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu giữa các thế hệ người Việt Nam gắn bó với nước Nga.
3. Ông Châu Đình Nguyên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh từng có hơn 10 năm gắn bó với nước Nga, trong đó có gần 4 năm làm Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam. Khoảng thời gian học tập và làm việc tại Nga, bản thân ông luôn cảm nhận được tình cảm, sự sẻ chia của người dân Nga đối với cộng đồng người Việt.
Đối với ông, dân tộc Nga có một vị trí rất đặc biệt trong lòng Nhân dân Việt Nam, họ luôn hết lòng vì bạn bè, luôn sát cánh cùng các dân tộc bị áp bức. Bây giờ, tuy nước Nga đã có nhiều thay đổi trong cơ chế xã hội nhưng những giá trị cốt lõi của Cách mạng tháng Mười Nga vẫn còn được giữ gìn và phát huy. Thế hệ trẻ ở Nga tuy rất ít người biết về cuộc chiến tranh Việt Nam nhưng mỗi khi nhắc đến đất nước chúng ta, người dân Nga luôn dành những tình cảm tốt đẹp.
Là một trong những người thành lập Hội Hữu nghị Việt - Nga Thừa Thiên Huế, ông Nguyên kể, ngay từ khi thành lập Sở Ngoại vụ vào cuối năm 1997, ông đã đề xuất thành lập Hội Hữu nghị Việt - Nga nhằm kế thừa và phát huy Hội Hữu nghị Việt - Xô Bình Trị Thiên trước đây sau một thời gian dài gián đoạn hoạt động, với mong muốn tập hợp các anh, chị, em từng học tập và làm việc tại Nga thành một cộng đồng làm cầu nối liên kết giữa 2 dân tộc.
Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh đã có những đóng góp lớn vào phong trào, hoạt động của Hội Việt - Nga toàn quốc. Hội nhiều lần đón các đoàn từ Nga đến giao lưu, học hỏi; trong đó có các thiếu niên sang tham gia các trại hè, các vận động viên người Nga đi xe đạp vòng quanh thế giới… Những trường hợp người Nga đến Huế du lịch bị mất hộ chiếu, gặp vấn đề lưu trú..., hội hết lòng giúp đỡ trong phạm vi khả năng có thể. Như năm 2017, trường hợp 3 mẹ con người Nga sang Việt Nam bị mất hộ chiếu, giấy tờ tùy thân đã được hội thông báo và đưa đến Tổng lãnh sự quán Nga tại Đà Nẵng để trình báo và hoàn thành thủ lục cấp mới giấy tờ pháp lý liên quan. |
Minh Nguyên