Tòa nhà trụ sở Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật tỉnh ở 26 Lê Lợi, TP. Huế. Ảnh: P. Thành

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của Báo Thừa Thiên Huế cuối tuần, ông Giám đốc Sở KH-ĐT ông Phan Thiên Định đã nói: “Tỉnh đã có chủ trương quy hoạch đường Lê Lợi, đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân, theo hướng hình thành khu phố bảo tàng và mở rộng không gian ở khu vực này làm quảng trường”. Ông Lê Toàn Thắng, Phó GĐ Sở Xây dựng, cho biết: “…định hướng khu vực dọc theo đường Lê Lợi (từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân) được xác định là không gian văn hóa, nghệ thuật, là khu vực điểm nhấn về không gian đô thị, phát huy các giá trị về văn hóa nghệ thuật, điểm đến cho du khách và người dân địa phương”. Theo lãnh đạo Sở KH-ĐT, Sở XD thì đến nay vẫn chưa có phương án cụ thể về ngôi biệt thư 26 Lê Lợi Huế!

Gần đây bàn về ngôi biệt thự 26 Lê Lợi, Huế, một số anh em văn nghệ sĩ gạo cội như Tô Nhuận Vỹ, Võ Quê, Nguyễn Đắc Xuân… đã có ý kiến rất hay là: Biến Ngôi biệt thư 26 Lê Lợi Huế thành Bảo tàng Văn học Huế! Tôi thấy ý kiến trên là xác đáng với những lý do sau đây:

1. Huế là một trung tâm văn học lớn của Việt Nam từ 200 năm qua. Văn học là ngành phát triển lớn nhất trong tất cả các ngành của VHNT Huế. Có quá nhiều nhà văn, nhà thơ đã sống và sáng tác ở đây hàng trăm năm trước với những tác phẩm lừng danh, như: Các vị vua thi sĩ, như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức... đến các ông Hoàng như Miên Thẩm, Miên Trinh, các bà chúa như Mai Am, Huệ Phố... các bậc quan lại như Cao Bá Quát, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Hàm Ninh… Rồi Phan Bội Châu, Tố Hữu, Nguyễn Khoa Vy, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư... đến Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Hải, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Đắc Xuân, Bửu Ý, Lâm Thị Mỹ Dạ… cùng đội ngũ các nhà văn Huế rất đông đảo sau này. Đội ngũ các nhà văn Huế trùng điệp như vậy cần phải lưu lại sự nghiệp sáng tác và tác phẩm của họ để phục vụ nghiên cứu phát triển  nền văn học, văn hóa tỉnh nhà.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, cho rằng: Ngôi nhà 26 Lê Lợi gắn bó với nhiều tên tuổi văn nghệ sĩ lớn, là dấu ấn di sản vật thể còn lại của văn học nghệ thuật Huế. Sau 1975, ngôi nhà này là nơi lui tới của các văn nghệ sĩ trong và ngoài nước. Khu nhà là đại diện cho xứ sở được mệnh danh là “thành phố thi ca”.

2. Thực tế hiện nay trên đường Lê Lợi đã có Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá  Đảng, Nhà lưu niệm Điềm Phùng Thị, Bảo tàng Mỹ Thuật Huế… Có thêm Bảo tàng văn học Huế, là trọn vẹn và đúng với định hướng “hình thành khu phố bảo tàng” phục vụ du lịch mà UBND tỉnh đã xác định.

3. Có thêm Bảo tàng văn học Huế giúp các tác giả trẻ, đông đảo đội ngũ sinh viên nghành văn học, và du khách và đọc giả trong việc nghiên cứu tìm hiểu tiến trình văn học Việt Nam ở Huế, góp phần phổ biến các tác giả , tác phẩm văn học Huế trong xã hội. Hiện nay, các Trường PTTH, PTCS đang được ngành Giáo dục cho phép dạy “tác giả, tác phẩm văn học, nghệ thuật  địa phương”. Có Bảo tàng văn học Huế là có thêm điều kiện để các cháu học tốt chương trình văn học địa phương, góp phần đào tạo nên những nhân tài sau này.

Tất nhiên, từ trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT hiện nay, để biến thành Bảo tàng văn học Huế, ngôi nhà phải được cải tạo theo đúng yêu cầu của một bảo tàng văn học. Có không gian trưng bày, giới thiệu các tác giả lớn, vừa, tùy theo sự xếp hạng, có không gian chung để hội thảo, giới thiệu tác phẩm, báo cáo chuyên đề… Cái đó sẽ bàn sau.

Ngô Minh