ICHCAP là tên viết tắt tiếng Anh của Trung tâm thông tin và Mạng lưới quốc tế về Di sản văn hóa phi vật thể khu vực Châu Á – Thái Bình Dương do UNESCO bảo trợ.

Trong phiên này, Hội nghị có 4 bài tham luận bàn về các vấn đề: Sức sống của Nhã nhạc sau 15 năm được UNESCO vinh danh; Nhìn lại một số bài học bảo vệ DSVHPVT ở Việt Nam kể từ khi có Công ước UNESCO 2003; Hiệu quả công tác đào tạo và truyền dạy nghệ thuật truyền thống ở trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế; Phương pháp bảo tồn Nhã nhạc và sức sống của Nhã nhạc trong cộng đồng hôm nay.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc triều Nguyễn - Âm nhạc cung đình Việt Nam là bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa nói chung và âm nhạc truyền thống Việt Nam nói riêng, là hạt nhân của bộ phận âm nhạc bác học cổ điển. Loại hình âm nhạc này đã đạt đến đỉnh cao vào thế kỉ XIX và được thừa nhận, tôn vinh là kiệt tác tiêu biểu cho tài năng sáng tạo, cũng như thể hiện bản sắc của văn hóa Việt Nam.

TS. Phan Thanh Hải trình bày những nội dung nổi bật của việc bảo tồn Nhã nhạc

Sau khi Nhã nhạc được UNESCO vinh danh, Thừa Thiên Huế đã nỗ lực triển khai và thực hiện thành công Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc (2005-2008) trên cả 3 lĩnh vực, gồm: Công tác nghiên cứu, lưu trữ; Công tác truyền dạy và chính sách nghệ nhân; Biểu diễn quảng bá Nhã nhạc đến với cộng đồng. Với thế giới, Nhã Nhạc hầu như vẫn còn là một dấu hỏi lớn, một kho tàng bí ẩn mà giới nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu. Việc bảo tồn phát huy Nhã nhạc trong xã hội đương đại tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng bước đầu đã thu được những thành quả rất đáng tự hào.

Dưới góc nhìn của một người từng là cán bộ cấp cao của Nhà nước ở lĩnh vực văn hóa và hiện là đại diện của một NGO, TS. Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, đã đưa ra những kinh nghiệm đúc kết từ những bài học bảo tồn Nhã nhạc, Hát Xoan, cũng như việc đánh giá kiểm kê DSVHPVT của Hà Nội.

Chia sẻ thông tin tại Hội nghị, TS. Lê Thị Minh Lý cho biết, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có luật về bảo vệ DSVHPVT, là một trong 30 nước đầu tiên phê chuẩn Công ước UNESCO 2003 và là thành viên của Ủy ban liên Chính phủ 2006-2010. Nhờ có tinh thần của Công ước, Việt Nam đã có bước tiến dài trong nỗ lực bảo vệ DSVHPVT. Trong đó, có thể kể đến như: Triển khai kiểm kê DSVHPVT trên toàn lãnh thổ. Thành công trong việc bảo vệ di sản đang trong tình trạng khẩn cấp với việc truyền dạy Nhã nhạc và tạo môi trường mới để tái sáng tạo di sản này; đưa Hát Xoan ra khỏi danh sách khẩn cấp đến với danh sách đại diện của UNESCO. Đưa DSVHPVT vào giáo dục trong trường học…

Ông Seong-Yong Park, Trợ lý Tổng Giám đốc ICHCAP đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, của Huế trong bảo tồn các DSVHPVT của mình

Những chia sẻ ấy đã khiến ông Kwon – Huh, Tổng Giám đốc ICHCAP “thừa nhận”: Sau những lần trở lại Việt Nam, chúng tôi đã ngạc nhiên, thậm chí ấn tượng và “sốc” về việc Việt Nam đã phát triển mạnh các thể chế để bảo tồn DSVHPVT.

Liên quan đến công tác bảo tồn Nhã nhạc của Việt Nam, ông Kwon – Huh đưa ra gợi ý Việt Nam nên xác định cụ thể Nhã nhạc là âm nhạc truyền thống hay âm nhạc cổ điển, như ở Hàn Quốc định nghĩa Nhã nhạc là âm nhạc cổ điển. “Khi gọi đúng khái niệm thì chúng ta sẽ hành động đúng và cũng sẽ bảo tồn đúng bản sắc âm nhạc của loại hình đó”, ông Kwon – Huh nói.

Tin, ảnh: Đồng Văn