Đã nợ thì phải trả, nhưng ai trả; không phải hơn 90 triệu dân của Việt Nam đều có khả năng trả nợ mà chỉ hơn 50% dân số trong độ tuổi lao động mới có khả năng làm ra của cải vật chất, tạo ra giá trị gia tăng để trả nợ. Tức là có thể hiểu, mỗi người Việt Nam trong độ tuổi lao động phải “gánh nợ” gần gấp đôi con số nêu trên.

Điều này có đáng lo không? Có thể nói là hết sức đáng lo ngại, vì năng suất lao động của Việt Nam được đánh giá là khá thấp so với khu vực. Hiệu quả sử dụng vốn cũng không cao, đó là chưa nói đến chuyện thất thoát nguồn vốn do quản lý chưa chặt chẽ, tình trạng tham nhũng còn diễn ra nhiều… Tức là, nợ đã cao nhưng khả năng trả nợ sẽ kéo dài. Điều này cũng có nghĩa, việc sử dụng vốn vay chúng ta sẽ trả với một mức lãi suất sẽ cao hơn đối với những nước sử dụng vốn vay hiệu quả hơn.

Chúng ta thử lấy nợ công bình quân đầu người đặt trong bối cảnh nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người của Thừa Thiên Huế xem xét thử nó sẽ như thế nào?

Tính đến năm 2018, dự kiến nợ công bình quân đầu người trong cả nước là 35 triệu đồng. Con số này của năm 2017 là 31 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người của người dân Thừa Thiên Huế vào năm 2017 là 2.100 USD, năm 2016 là 2.080 USD. Tức là trong khi mỗi người dân một năm làm ra để có thu nhập khoảng 45 triệu đồng thì đã mang nợ 31 triệu đồng. Với mức nợ trên mức thu nhập như vậy, có thể nói là quá cao!

Tất cả mọi nền kinh tế muốn phát triển đều phải nợ. Vấn đề là mức nợ như thế nào? Vay được tiền về rồi sử dụng ra sao, nói cách khác là hiệu quả sử dụng vốn? Nếu con số nợ quá cao, thì thu nhập và đời sống sẽ thấp đi vì nguồn lực làm ra chủ yếu là để trả nợ. Hiệu quả sử dụng đồng vốn thấp thì trong tương lại mức chênh lệch giữa thu nhập và nợ ngày càng ngắn lại.

Người viết bài này đã từng thử làm một con số thống kê về qui mô kinh tế của một số tỉnh thuộc khu vực duyên hải Trung Trung bộ, thì nhận thấy, qui mô kinh tế của Thừa Thiên Huế nhỏ hơn so với một số tỉnh trong khu vực.

Qui mô dư nợ tín dụng ở một số tỉnh vùng Trung Trung bộ cũng rất lớn. Dẫn đầu là Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 6/ 2018 ước đạt 130.500 tỷ đồng. Khánh Hòa, tính đến cuối tháng 7 đạt 74.107 tỷ. Bình Định 66.130 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 7. Quảng Ngãi 62.500 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 6. Quảng Bình 46.100 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 9. Điều đáng băn khoăn là tính con số tuyệt đối, tức là qui mô tín dụng, tổng dư nợ của các tỉnh nói trên đều hơn Thừa Thiên Huế.

Đã nợ thì có nghĩa vụ trả nợ, không có ai trả thay cho chúng ta cả. Như trên đã nêu, nợ không chỉ liên quan đến trả nợ mà nó còn liên quan đến đời sống của mỗi người dân, nói rộng ra nó còn liên quan đến sức mạnh của nền kinh tế. Cho nên, việc tính toán,“chắt bóp” để sử dụng đồng vốn nói chung và đồng vốn vay nói riêng hiệu quả, có trách nhiệm là điều mà Chính phủ cũng như mọi người dân đều chung tay gánh vác.

NGUYỄN LÊ