Lập Quỹ dự phòng

Theo BHXH Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến Quỹ BHYT kết dư là theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 35 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT phải dành tối thiểu 5% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng.

Thăm khám cho bệnh nhân tại trạm y tế xã. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN

“Vì vậy, số dư quỹ BHYT chính là quỹ dự phòng KCB BHYT được tồn tích qua nhiều năm triển khai thực hiện Luật BHYT đến nay”, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh thông tin.

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, theo thông lệ quốc tế, trong thiết kế chính sách BHYT ở nhiều nước cũng như tại Việt Nam, việc tồn tại của quỹ dự phòng KCB BHYT là cần thiết, để bảo đảm tính bền vững của chính sách BHYT, đảm bảo khả năng chi trả của quỹ này trước những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh có thể phát sinh bất cứ lúc nào.

“Tham chiếu vào điều kiện KCB BHYT cụ thể tại Việt Nam, quỹ này rất quan trọng. Vì bên cạnh rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, chúng ta cần nguồn lực hỗ trợ thanh toán khi giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng theo lộ trình tính đúng, tính đủ theo quy định của pháp luật và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới trong KCB BHYT”, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhận định.

Quyền lợi của người tham gia BHYT đang được bảo đảm đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật; nếu ở đâu không thực hiện đúng thì sẽ bị xử lý nghiêm. Những năm qua, số người khám, chữa bệnh được quỹ BHYT chi trả và chi phí khám, chữa bệnh BHYT năm sau cao hơn năm trước. Chỉ riêng trong năm 2017, cơ quan BHXH đã thanh toán cho gần 170 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT với số tiền lên tới trên 88 ngàn tỷ đồng; trong đó hàng ngàn trường hợp khám, chữa bệnh với chi phí hàng trăm triệu đồng, có những trường hợp được chi trả chi phí khám, chữa bệnh hàng tỷ đồng.

Chi phí khám chữa bệnh gia tăng 2 năm lại đây

Với tốc độ gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT lớn như hiện nay, theo BHXH, trong 2 năm, chi phí KCB BHYT tăng gấp khoảng 1,8 lần. Do đó, nếu không có biện pháp kiểm soát chi phí khám chữa bệnh thì quỹ dự phòng không còn, phải điều chỉnh mức đóng; như vậy có tác động không nhỏ đến người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Vừa qua, sau khi chính sách thông tuyến huyện chính thức được áp dụng theo quy định của Luật BHYT và do tác động của việc gia tăng giá viện phí theo quy định tại Thông tư liên tịch số 35, trong mấy năm gần đây, tình trạng bội chi quỹ BHYT đang diễn ra tại hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Do đó, quỹ BHYT đã phải sử dụng quỹ dự phòng KCB BHYT để bù đắp phần nào.

“Nếu chi phí KCB BHYT không được kiểm soát tốt, quỹ dự phòng KCB BHYT không còn đủ để bù đắp thì chúng ta sẽ phải thực hiện việc điều chỉnh tăng mức đóng BHYT. Điều này sẽ tác động bất cập đến thu nhập của người dân, khả năng của doanh nghiệp, cũng như khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là những tác động không hề nhỏ”, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh.

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, hiện trung bình mệnh giá thẻ BHYT của Việt Nam là khoảng gần 1 triệu đồng/ thẻ, nhưng mức chi KCB BHYT bình quân trên người là hơn 1,1 triệu đồng. Riêng về danh mục thuốc BHYT của Việt Nam, hiện đang nằm trong nhóm các nước có danh mục thuốc cao của thế giới, với khoảng 1.000 loại thuốc. Trong khi danh mục thuốc trung bình của các nước trên thế giới chỉ rơi vào khoảng 700 loại, với mệnh giá BHYT cao.

Theo Báo Tin tức