Sinh viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế bày tỏ ý kiến tại một hoạt động đối thoại sinh viên. Ảnh: Lê Huy
Còn một chiều
Vụ việc “nghi vấn sửa điểm” tại Khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế vừa qua được nhiều sinh viên ví như chuyện “tức nước vỡ bờ” khi những bức xúc nội bộ chưa được giải quyết, sinh viên phải nhờ đến sự can thiệp của báo chí. Đáng nói, kênh đối thoại sinh viên chưa được những người liên quan tận dụng để giải quyết và vụ việc đáng tiếc trên vẫn bị đẩy đi quá xa, ít nhiều ảnh hưởng uy tín của trường.
Điều đó đặt ra thực trạng đáng nghĩ về tính hiệu quả của hoạt động đối thoại sinh viên. TS. Nguyễn Quang Phục, Trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế trăn trở, ngay tại các khoa chuyên môn của trường hằng năm cũng tổ chức hoạt động đối thoại sinh viên, có sự tham dự của ban giám hiệu và lãnh đạo một số phòng chức năng. Song, hoạt động này chưa đạt hiệu quả mong muốn do sinh viên chủ yếu hỏi những vấn đề đã nằm trong quy chế. “Quy định, quy chế đã có sẵn, các em có thể tự tìm hiểu. Nhà trường muốn lắng nghe là những bức xúc, cái sinh viên đòi hỏi nhà trường phải thay đổi nhưng qua các năm rất ít có ý kiến như thế”, ông Phục nói.
Lý do từ phía sinh viên rất dễ hiểu, đó là tâm lý e ngại. Khảo sát của người viết với nhiều sinh viên, đa phần thừa nhận, ưu tiên chọn giải pháp im lặng để khỏi đụng chạm. “Sự thật thường mất lòng. Có thể lãnh đạo các trường, khoa thực sự muốn nghe và giải quyết những vấn đề bất cập, nhưng trong phòng đối thoại còn có nhiều bộ phận, nói ra sẽ có người bị ảnh hưởng, khi đó tụi em sẽ bị “để ý”. Ngay cả góp ý tại hòm thư đôi khi cũng không mạnh dạn làm vì có tâm lý sợ người khác bắt gặp”, một sinh viên ĐH Huế thật lòng.
Theo đại diện một số trường, phía ban tổ chức, các cán bộ, lãnh đạo cũng chưa hoàn thành được vai trò người định hướng đối thoại, khiến cho hoạt động đối thoại mang tính một chiều. Một cán bộ phụ trách công tác sinh viên chia sẻ, nếu cán bộ, giảng viên nắm bắt được tâm lý, vấn đề nổi cộm trong sinh viên và chủ động dẫn dắt, đưa họ vào câu chuyện, tạo môi trường cho họ nói thì hoạt động đối thoại sẽ thực chất hơn. Hơn thế, cán bộ và giảng viên cũng có thể “chất vấn” lại sinh viên các vấn đề nảy sinh, tăng tính chủ động tương tác chứ không đơn thuần là tổng hợp ý kiến và giải thích.
Một trong những hạn chế của hoạt động đối thoại sinh viên là vấn đề thời gian. Đa phần các đơn vị đang tổ chức theo tính định kỳ, thông thường 1 năm 1 - 2 lần, trong khi đó những mâu thuẫn, bức xúc từ phía sinh viên có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không thể đợi 6 tháng đến một năm mới được bày tỏ.
Để sinh viên bày tỏ ý kiến
Mục đích và ý nghĩa của hoạt động đối thoại sinh viên rất tốt nên khi chưa hiệu quả thì cần nghiên cứu, thay đổi cách làm. Theo các chuyên gia giáo dục, trong thời đại 4.0, hoạt động này rất thuận lợi và không chỉ đối thoại như cách truyền thống. Hiện nay, sinh viên thường bày tỏ những bức xúc, vấn đề thông qua mạng xã hội, nhất là trên các trang confestion (thú nhận), đây là “nguồn” rất tốt để các giảng viên, bộ phận làm công tác sinh viên và nhiều bộ phận liên quan “nhặt” vấn đề, từ đó tạo ra các chủ đề đối thoại, kích thích sinh viên cởi mở, mạnh dạn nói ra bức xúc hay mong muốn cần giải quyết.
Thuận lợi là đa phần cán bộ, giảng viên, sinh viên có sử dụng mạng xã hội và thường xuyên có những tương tác trực tuyến. Các cán bộ giảng viên, nhất là các giảng viên cố vấn cần nắm được tâm lý sinh viên và nhanh chóng tương tác, đối thoại khi có những vấn đề phát sinh, hoặc nếu vấn đề lớn có thể đề xuất tạo diễn đàn đối thoại cấp cao hơn để sinh viên trực tiếp “chất vấn”.
Đại diện Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế cho rằng, nên ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn trong việc đối thoại những vấn đề hằng ngày, hằng tuần. Cụ thể, cần tạo đầu mối điều phối câu hỏi của sinh viên chuyển về các phòng, khoa chuyên môn và quản lý quy trình, thời gian trả lời câu hỏi… Kênh này có thể tiếp cận ý kiến của phụ huynh để giải quyết kịp thời và có sự phối hợp các bên liên quan.
Theo lãnh đạo các trường, đối với hình thức đối thoại truyền thống cần làm kỹ hơn. Trước tiên, cần trang bị cẩm nang sinh viên và hướng dẫn những quy định, quy chế để sinh viên nắm rõ, tránh thắc mắc những cái đã có sẵn. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu cách làm phù hợp với mong muốn của sinh viên, đồng thời trả lời, giải quyết nhanh những đề xuất, nguyện vọng của sinh viên, tạo niềm tin để sinh viên góp tiếng nói xây dựng.
TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, thời gian tới, ĐH Huế sẽ chỉ đạo Hội sinh viên ĐH Huế tổ chức nhiều hoạt động đối thoại, diễn đàn sinh viên để tạo ra cầu nối trao đổi nhiều vấn đề của sinh viên với lãnh đạo ĐH Huế và các trường; đồng thời, sẽ đẩy mạnh hoạt động tiếp dân ở cả cấp ĐH Huế và cấp trường, tạo một kênh đối thoại khác để sinh viên có cơ hội bày tỏ những bức xúc cũng như nguyện vọng chính đáng.
Hữu Phúc