Thực vật tiếp xúc với mức độ ô nhiễm cao sẽ tạo ra nhiều hóa chất phòng vệ hơn trong lá của chúng. Ảnh: Twitter
Nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Sheffield ở Anh, và được đăng trên tạp chí Nature Communications cho thấy, thực vật tiếp xúc với mức độ cao của Nitơ điôxít (NO2), tương tự như mức độ được ghi nhận trong các trung tâm đô thị lớn, có thể tự bảo vệ mình tốt hơn chống lại côn trùng ăn cỏ.
Theo nghiên cứu nói trên, NO2 tác động đáng kể đến thực vật và côn trùng. Côn trùng đóng vai trò rất quan trọng đối với việc sản xuất thực phẩm và cũng đảm bảo sự tồn tại lâu dài của các loại hoa dại, cây bụi và cây cối.
Thực vật tiếp xúc với mức độ ô nhiễm gia tăng tạo ra nhiều hóa chất phòng vệ hơn trong lá của chúng, nghiên cứu do tiến sĩ Stuart Campbell, từ Khoa Khoa học Động vật và Thực vật của Đại học Sheffield nhận định.
"Những kết quả từ nghiên cứu cho thấy, côn trùng ăn những lá này sẽ trở nên kém phát triển, chứng tỏ mức độ ô nhiễm không khí cao có thể có tác động tiêu cực lên các cộng đồng sinh vật ăn cỏ", nghiên cứu lưu ý.
Trong khi đó, ông Stuart Campbell nói thêm: "Côn trùng ăn thực vật (côn trùng ăn cỏ) giúp đưa trở lại chất dinh dưỡng thực vật vào đất và bản thân chúng cũng là nguồn thức ăn cho các loài chim hoang dã, bò sát, động vật có vú và nhiều loại côn trùng khác".
Đáng chú ý, các nhà khoa học đang cảnh báo về sự suy giảm nghiêm trọng về số lượng côn trùng, điều đáng báo động đối với bất cứ ai đang coi trọng thế giới tự nhiên và nguồn thực phẩm trên thế giới, ông Stuart Campbell nhấn mạnh.
Thanh Ngân (Lược dịch từ Devdiscourse)