Hồi sức cấp cứu bệnh tim mạch tại BV huyện Phú Vang

Xu hướng gia tăng

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tim mạch đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người trên toàn thế giới và chiếm nhiều nhất ở các nước đang phát triển. Mỗi năm, người chết do bệnh tim và đột quỵ nhiều hơn cả ung thư, lao, sốt rét và HIV cộng lại. Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong liên quan đến bệnh tim mạch (chiếm 33% trường hợp tử vong, gấp 20 lần số tử vong do ung thư và gấp 10 lần số tử vong vì tai nạn giao thông).

Theo PGS.TS. Nguyễn Tá Đông, Phụ trách Khoa Nội Tim mạch, Trung tâm Tim mạch, BV Trung ương Huế, bệnh tim mạch đang có xu hướng gia tăng tại các nước đang phát triển. Các báo cáo gần đây cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch tại các nước đang phát triển ngày càng cao, còn các nước phát triển ngày càng thấp và bệnh tim mạch đang có chiều hướng tăng ở người trẻ tuổi. Mô hình bệnh tim mạch ở các nước đang phát triển có xu hướng tương đương với các nước đã phát triển, các bệnh tim mạch liên quan nhiễm trùng giảm dần, các bệnh tim mạch liên quan chuyển hóa ngày càng tăng. "Y học ngày càng tiến bộ, nhiều thế hệ kháng sinh được tìm ra, nhiều chương trình quản lý bệnh ngày càng hiệu quả, bệnh nhiễm trùng dần được khống chế. Thế nhưng, khi đời sống ngày càng nâng cao, thức ăn, dinh dưỡng ngày càng dư thừa, cuộc sống ngày càng căng thẳng làm cho nhóm bệnh tim mạch chuyển hóa ngày càng xuất hiện nhiều hơn".

Tại BV Trung ương Huế, chỉ tính ở Khoa Nội tim mạch mỗi ngày có 100-120 trường hợp đến khám tư vấn và 150-180 trường hợp điều trị nội trú. Các bác sĩ chuyên khoa ở đây nhận định, qua thực tế khám, điều trị gần đây các bệnh tim bẩm sinh được phát hiện ngày càng nhiều. Đáng chú ý các bệnh tim mạch do chuyển hóa ngày càng nhiều hơn, trong đó bệnh mạch vành, tăng huyết áp ngày càng được phát hiện nhiều và ngày càng trẻ hóa. Đây là những bệnh lý nguy hiểm, việc nhận biết sớm bệnh rất khó khăn, bởi các triệu chứng ban đầu rất mơ hồ, thường là bằng những cảm giác nặng ngực, xoàng, chóng mặt ...

Phát hiện, điều trị kịp thời

Tăng huyết áp là một trong những bệnh lý liên quan đến tim mạch được nhắc đến nhiều, đặc biệt là ở người cao tuổi. Có hai loại tăng huyết áp, trong đó hơn 90% là không có nguyên nhân, thường gặp ở người cao tuổi; dưới 10% là loại có nguyên nhân và thường gặp ở người trẻ, những người có một số bệnh đặc biệt khác. Đối với nhóm bệnh này người ta không nói đến quan hệ một nhân - một quả, mà nói đến yếu tố nguy cơ, đa yếu tố nguy cơ. Ở người lớn tuổi là sự tích tụ càng nhiều của các yếu tố nguy cơ, như: chế độ ăn mặn (nhiều muối); sự lão hóa, giãn thành mạch (xơ vữa mạch máu), thần kinh căng thẳng (đời sống lo âu, áp lực công việc..), lười vận động…

Một trong những nguyên nhân khiến bệnh tim mạch gia tăng là do thói quen ăn uống không hợp lý, nhiều cholesterol. Khi lượng cholesterol trong máu lên quá cao sẽ gây hiện tượng vữa xơ động mạch, cản trở máu lưu thông, dẫn đến thiếu máu cơ tim. Mọi người cần chú ý thực hiện chế độ ăn chứa ít chất béo bão hòa và ít cholesterol, nhiều chất xơ, duy trì cân nặng ở mức trung bình, kết hợp tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục thường xuyên với những bài tập thể dục nhẹ nhàng, như đi và chạy bộ, bơi, yoga, đạp xe đạp… Đây là những môn thể dục giúp điều hòa hệ tim mạch, tăng cường nhịp tim, giảm những nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giảm nguy cơ đột quỵ. Với một người bình thường, có thể dành ít nhất 30 phút/ngày để tập thể dục và duy trì không dưới 5 ngày/tuần.

Bệnh tim mạch được mệnh danh là “căn bệnh giết người thầm lặng”, do trước khi phát hiện bệnh thường rất khó nhận biết. “Để giảm khả năng mắc bệnh, phát hiện và điều trị kịp thời, cách duy nhất là mọi người phải khám bệnh tầm soát định kỳ mỗi 6 - 12 tháng/lần, tăng cường tập luyện thể dục và thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Khi mắc bệnh, bệnh nhân phải tham vấn với các bác sĩ chuyên khoa, cố gắng tuân thủ điều trị, và phải được theo dõi thường xuyên, không nên tự ý bỏ điều trị”, PGS.TS. Nguyễn Tá Đông nói.

Bài, ảnh: Minh Văn