Hàn Quốc có khoảng 60 trạm gác như vậy dọc theo biên giới trong khi Bắc Triều Tiên có khoảng 160 trạm. Ảnh: AP

Seoul và Bình Nhưỡng đã ký một thỏa thuận quân sự vào ngày 19/9, bao gồm các biện pháp ngăn chặn các cuộc đối đầu vũ trang dọc theo Đường phân giới quân sự và trên Đường biên giới phía Bắc.

Như một phần của thỏa thuận, Seoul và Bình Nhưỡng đã hoàn thành việc rút quân và trang thiết bị ở 22 trạm gác trong Khu phi quân sự (DMZ) phân chia hai miền Triều Tiên. Mỗi bên cũng nhất trí sẽ xóa bỏ 10 trạm gác và chỉ giữ lại 1 bên 1 trạm ở vùng DMZ.

Theo Yonhap, Hàn Quốc có khoảng 60 trạm gác như vậy dọc theo biên giới trong khi Bắc Triều Tiên có khoảng 160 trạm.

Như một phần của cử chỉ hòa giải mới nhất, 2 tháng trước, hai miền Triều Tiên đã rút tất cả vũ khí và binh sĩ ở làng biên giới Panmunjom (hay còn gọi là Khu vực an ninh chung), mỗi bên chỉ để lại 35 nhân viên không vũ trang. Những động thái này diễn ra như một sự tan băng ngoại giao giữa 2 miền trong thời gian gần đây.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Seoul theo đuổi chính sách hàn gắn với Bắc Triều Tiên, quốc gia vốn bị cô lập do các vấn đề về phát triển hạt nhân.

Về mặt kỹ thuật, 2 quốc gia vẫn còn chiến tranh sau khi Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng việc ngừng bắn thay vì một hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, mối quan hệ này đã được cải thiện rõ rệt trong năm nay khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã thực hiện một loạt các cử chỉ hòa giải.

Chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh lịch sử vào tháng 6 tại Singapore và ký một thỏa thuận phi hạt nhân, nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều tiến bộ được thực hiện.

Các cuộc đàm phán đã được lên kế hoạch giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và một trong những quan chức cấp cao của Bắc Triều Tiên Kim Yong Chol, cũng bị trì hoãn trong tuần này.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Yonhap & AFP)