Hai ô cửa sổ dài mở hướng nhìn xuống đường. Sàn gỗ, tường gỗ, cây leo rủ bóng xanh, mới nhìn thấy, tôi đã “kết” ngay. Khung cảnh này thật đúng với những “mộng mơ” thời tuổi hoa của tôi, được ngồi mơ màng bên khung cửa sổ đầy nắng và gió. Nhưng với nó không phải là vậy.

“Em thích quán này vì cái này nè”, nó đưa tay chỉ về một bức tranh đóng khung cỡ nhỏ treo trên tường, trong đó là hình hai đứa bé mặc áo đầm đang hái hoa. Một vườn hoa nhiều màu sắc. Thoạt nhìn, bức tranh chẳng có gì đặc biệt lắm. Có lẽ chủ nhân cũng không muốn phô bức tranh ra khi cố tình chọn góc phải của bức tường để treo, dù rằng còn nguyên cả một mảng tường trống. Một đứa ít nói, tưởng khô khan như nó lại có niềm say mê bức tranh nhỏ này, đó là một điều khá bất ngờ đối với tôi. Quen và chơi với nhau rồi thân tự bao giờ, nó chưa bao giờ kể về gia đình hay chuyện cơ quan, thời trang, yêu đương… mà lúc nào cũng chỉ nói về cà phê, nói về những chuyến đi “phượt” như là để khám phá cái điểm tận cùng của bản thân là gì. Cứ tưởng nó cũng “bụi bặm” lắm…

“Nhà em có 7 anh chị em nhưng chỉ có hai người con gái, đó là chị em và em”- tự nhiên nó chậm rãi kể. “Chị em lấy chồng năm 19 tuổi, lúc ấy em mới 7 tuổi. Chị lấy chồng gần nhà nên em cũng chẳng có cái cảnh chia xa. Nhưng giờ chị em mất rồi, bị ung thư. Lần đầu tiên em đến quán này, không hiểu sao vừa nhìn thấy bức tranh là em nhớ về chị em, nghĩ ra cảnh đó là hai chị em đang đi hái hoa cùng nhau và em vui. Lạ rứa đó. Từ ấy, mỗi lần buồn hay cần một chốn bình yên là em tìm đến quán này. Chính vì bức tranh đó!”.

Ngày mẹ sinh nó, chị mới 11 tuổi. Cha mất, mẹ một đàn con 7 đứa, chị phải “tha” nó khắp nơi chơi cùng lũ trẻ trong xóm. Chị cũng nhiều lần để nó ngã lăn từ trên giường xuống nhưng chẳng hiểu bà mụ đỡ thế nào mà chẳng bị sao cả. Chị cũng đánh nhau với mấy đứa bạn vì dám chọc em mình. Tuổi thơ của nó trong câu chuyện kể của chị là những chiều chị tha nó đi hái bông cẩn chơi trò lồng đèn, là hái trái mâm xôi gai cào rách áo, là hái hoa dại kết thành tràng chơi trò công chúa… Chị đã ôm ấp nó bằng bàn tay bé nhỏ của mình và mãi sau này, khi chị lấy chồng, chị cũng san sẻ cùng mạ nỗi khó khăn để nuôi nó ăn học.

Nó vừa trở về sau chuyến đi thăm và tặng quà cho trẻ em vùng cao A Lưới, Nam Đông. Khi cơ quan của nó kêu gọi quyên góp áo quần, sách vở, đồ dùng học tập cho trẻ em vùng núi, nó là người hăng hái nhất. Nó ở lại sau giờ làm kiểm tra từng cái áo, đơm lại hột nút, kết lại cái khuy, phân loại, xếp vào từng bao gọn gàng. Nó bảo nó thấy chị mình trong dáng vẻ của những đứa trẻ vùng cao ấy, cái dáng hồn nhiên chơi đùa, cười vui trong trẻo dù trên tay là đứa em mặt mũi cũng kèm nhem đang cười theo...

“Em đang có kế hoạch mở lớp dạy thêm cho trẻ em nghèo đây chị ạ, dạy không lấy tiền”, nó thổ lộ kế hoạch với tôi và cho biết sẽ kêu gọi những bạn bè thân thiết hỗ trợ thêm, trước mắt là các môn toán, văn, Anh văn.

Tôi ngắm nhìn lại bức tranh “khung cảnh tuổi thơ thần tiên” của nó, lòng tự hỏi tác giả có biết chăng ánh sáng trong tranh anh/chị, ánh sáng của màu sắc và đường nét nghệ thuật ấy đã và đang thắp sáng cho một tâm hồn, đang dẫn một người trẻ nhiệt huyết đi trên con đường dấn thân vì cộng đồng.

Có những tiếng nói lặng thầm trong cuộc sống, như dụng ý treo bức tranh vào góc lệch của chủ quán, như nó - lặng thầm nhớ thương, lặng thầm sống tốt. Và tôi thấy mình đang hạnh phúc vì nhận ra được những điều tốt đẹp đang ở quanh ta.

Xuân An