Chị Du Mi với niềm say mê làm bánh

Ở Huế hiện nay, xu hướng mở tiệm cà phê, trà - bánh, tiệm bánh Âu các loại hay kinh doanh bánh online ngày càng nở rộ… Việc học nghề làm bánh vừa là thú vui để thỏa mãn sở thích, đam mê vừa tạo ra cơ hội việc làm.

Khi đã bước qua tuổi “băm”, ổn định với công việc nhân viên ngân hàng, chị Lê Ngọc Dao (chủ tiệm kem - trà - bánh Lick N Bite) bắt tay làm lại từ đầu vì cái duyên với nghiệp bếp bánh. Ngay sau khi biết đến loại kem Stick house của Ý, chị Dao “bay” ra Hà Nội để tự mình thưởng thức, đánh giá và hoàn toàn hài lòng với vị kem thương hiệu Ý được bán bản quyền tại Việt Nam. Niềm say mê nghiệp kem - trà - bánh của chị cũng bắt đầu từ chuyến bay duyên nợ này. Thành công với việc đưa kem thương hiệu Ý đến với người dân Huế, chị Dao “lấn sân” sang trà sữa và bánh. Chị học làm bánh, trà sữa từ những kiến thức thu thập được trên mạng và theo học các lớp làm bánh ở Hà Nội.

Với chị Phan Viên Du Mi (chủ cửa hàng Bếp bánh) lại bắt đầu công việc làm bánh khi có 2 năm sống ở Mỹ, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ bảo trợ trẻ em khuyết tật. Những chiếc bánh đầu tiên chị Du Mi làm không hoàn hảo. Chị cho hay: “Để làm được một chiếc bánh ngon, ngoài có một công thức tốt, cần phải học hỏi kinh nghiệm rất nhiều từ những người đi trước, từ những kinh nghiệm bản thân tích lũy và trau dồi mà có được, từ chính khẩu vị của mình, người thân và thực khách”.

Nhưng nếu bánh chỉ ngon và đẹp mắt thôi thì chưa đủ, bởi trong bối cảnh hiện nay, vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề được các gia đình quan tâm nhiều nhất. Tự nhận mình là người kỹ tính và khá cầu toàn, với mỗi “tác phẩm” kem - trà - bánh, chị Dao luôn cố gắng tạo ra thành phẩm ngon nhất có thể. Điều “cấm kỵ” với chị là thực phẩm không an toàn. Chị giải thích: “Tôi tâm niệm làm cho khách như làm cho chính mình. Nếu mình làm ra không ngon, không chất lượng, không thể thuyết phục được chính bản thân thì không thể thuyết phục được khách hàng”.

Dòng kem mà chị Dao theo đuổi có hai vị chủ đạo: kem pha sữa có vị ngọt dịu và kem trái cây nguyên chất, được chế biến từ trái cây tự nhiên. Nguyên liệu làm trà sữa và bánh của chị cũng hoàn toàn tự nhiên và an toàn. Để tạo màu cho các loại topping (phần thêm vào) trong trà sữa, chị dùng các “chất liệu” tự nhiên: Màu vàng từ quả dành dành, xanh dương từ hoa đậu biếc và hoa atiso cho màu đỏ tươi… Chị không coi mỗi cái bánh, ly trà là những vật vô tri vô giác mà thổi hồn vào đó tạo nên những “vũ điệu” của màu sắc. Mỗi ly trà sữa, mỗi cái bánh là một câu chuyện được kể nên từ các loại nguyên liệu. Cái tâm của người làm nghề cộng thêm kinh nghiệm giúp chị học hỏi được cách dùng thực phẩm an toàn. 

Bên cạnh sức hút nghề nghiệp, được tự tay làm ra những chiếc bánh với đầy đủ chất lượng, lại vừa tiết kiệm chi phí, là món quà ý nghĩa để dành tặng người thân hay được sáng tạo kích thước, thay đổi hương vị để tạo ra một sản phẩm in đậm dấu ấn riêng là điều khiến cho người trẻ thích thú.

Không chỉ bó gọn trong việc kinh doanh, quây quần bếp bánh, mỗi dịp Quốc tế thiếu nhi, trung thu, nhiều cơ sở làm bánh trên địa bàn thành phố lại tổ chức trao tặng hay tạo cơ hội cho trẻ em nghèo, mồ côi được tự tay làm và thưởng thức những chiếc bánh ngon. Du Mi dự định mở một lớp tiếng Anh giao tiếp miễn phí cho những chị em có niềm yêu thích và cần cơ hội việc làm.

Bài, ảnh: Phước Ly