NSƯT Nguyễn Ngọc Bình

Một trong những cách đào tạo khán giả là đưa sân khấu vào học đường. Cách đây khoảng hơn chục năm, một dự án như thế đã được triển khai tại Huế, từ kinh phí của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Bẵng đi hơn mười năm, mới đây, một dự án thứ hai lại được mở trong năm 2009, cũng từ kinh phí của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Dự án đã đào tạo được 20 em trong lĩnh vực ca kịch Huế, ca Huế với những hoạt động sân khấu học đường sôi nổi, thiết thực, góp phần gieo mầm khán giả yêu nghệ thuật truyền thống ở một số trường học.

NSƯT Ngọc Bình đang ấp ủ một số ý tưởng thú vị về đào tạo khán giả như khảo sát, quy tụ đội ngũ khán giả ca Huế khoảng 1.000 người. Thành lập Câu lạc bộ “Những người yêu ca Huế” với nhiều hoạt động như giao lưu, biểu diễn, cấp thẻ hội viên. Với tấm thẻ này, các thành viên CLB có thể xem miễn phí bất kỳ một suất biểu diễn ca Huế nào do Nhà hát tổ chức. Khi ấy, mỗi suất ca Huế, ít nhất sẽ có khoảng 200-300 khán giả nhà. “Với cách tổ chức này, họ sẽ là người trong cuộc, góp phần lan tỏa niềm đam mê, tình yêu ca Huế cho cộng đồng” - ông Bình tâm huyết.
 
Vì sao ông lại quan tâm đến vấn đề đào tạo khán giả?
 
Đơn giản, làm một chương trình nghệ thuật cũng như sản xuất một mặt hàng. Muốn hàng bán chạy thì ngoài chất lượng, phải có thị trường. Thị trường của nghệ thuật chính là khán giả. Không có khán giả, tức không có đầu ra thì chết. Cho nên đào tạo khán giả chính là khâu chuẩn bị về thị trường. Mục đích của công việc này là làm cho khán giả hiểu, biết rồi dần dần yêu nghệ thuật truyền thống.
 
Rõ ràng khán giả là vấn đề sống còn nhưng lâu nay, ít thấy các đơn vị, các đoàn nghệ thuật đề cập nhiều đến khâu đào tạo khán giả?
 
Thật ra, đây là vấn đề không mới và ai cũng muốn làm. Nhưng thực hiện được nó lại là chuyện khác. Một trong những cái khó là kinh phí. Ví dụ ý tưởng đào tạo 1000 khán giả ca Huế, ấp ủ thế nhưng chúng tôi không biết xoay xở kinh phí đâu để thực hiện.
 
Theo ông, hạn chế lớn nhất của việc đào tạo khán giả là gì?
 
Là nhận thức. Nếu nghĩ rằng nghệ thuật là một trò chơi, là thứ giải trí thì không thấy được tác động của nghệ thuật đến ý thức, đời sống tinh thần của xã hội. Ví dụ chuyện đưa sân khấu vào học đường là cách hay và hiệu quả để đào tạo khán giả nhưng cũng chỉ thực hiện được khi có dự án ở đâu đó rót về. Chưa tổ chức được thường xuyên, liên tục không hẳn do không có kinh phí mà do chúng ta thấy nó chưa quan trọng.
 
Ông trăn trở với khâu đào tạo khán giả, có phải do thị trường của nghệ thuật truyền thống đang ngày một thu hẹp?
 
Đánh giá như thế là chưa xác đáng. Không phải khán giả đang quay lưng với nghệ thuật truyền thống. Dân tộc hay hiện đại? Truyền thống hay cách tân? Theo tôi vấn đề không phải ở đó mà là ở phương pháp, cách làm. Ví dụ như ca Huế trên sông Hương, nếu cứ làm như hiện nay thì lo rằng, dần dần sẽ mất khán giả.
 
Kim Oanh (thực hiện)