Trận bóng đang hồi cao trào thì bất chợt, một chiếc xe máy rồ đến, đỗ xịch. Trên xe, một phụ nữ trung niên giận dữ to tiếng: Có về nhanh lên không. Mi biết khi hồi chừ mẹ gọi mấy cuộc không. Đã nói không được tắt điện thoại mà răng vẫn tắt”.

Trước những câu hỏi dồn dập và căng thẳng của mẹ, cậu bé im lặng rời sân, mặt cúi gằm, miễn cưỡng leo lên xe. Như bị dội gáo nước lạnh, nhóm trẻ cũng dừng chân. Chúng ngồi bệt xuống cỏ, im lặng dõi theo cái bóng cúi gằm của cậu bạn cùng xóm. 

“Hắn con một. Nhà chỉ có mình hắn nên không biết chơi với ai. Ba mẹ hắn dữ lắm, không cho hắn chơi với ai cả. Chơi với ai cũng sợ hư, chỉ bắt học thôi. Hắn nói hắn cô đơn lắm”- đám trẻ bàn tán.

Vào những đêm trăng sáng, lũ trẻ thường tụ tập trên con đường rộng chạy qua khu dân cư. Đứa thì đá cầu. Đứa tập xe đạp. Đứa đá bóng. Tiếng cười đùa râm ran. Vui là thế nhưng tuyệt nhiên không thấy cậu bé bị mẹ mắng đâu. Hỏi thì biết, cậu bé bị “quản thúc” vì học hành không như kỳ vọng của cha mẹ. “Hắn bữa ni có mấy thầy dạy kèm luôn. Học xong ở trường về nhà là có thầy đến dạy. Hắn học mãi, học cả ngày”, một đứa trẻ sát nách nhà cậu bé hiểu chuyện chia sẻ.

Tò mò về gia cảnh cậu bé, tôi dừng chân trước tòa nhà ba tầng tiện nghi. Nghe đâu bố mẹ cậu buôn bán phát đạt nên có điều kiện đầu tư cho con cái với mong mỏi cậu con trai một phải học thật giỏi, phải du học.

Thấy ngôi nhà của cậu bé suốt ngày đóng cửa, lân la hỏi chuyện những người hàng xóm của cậu bé, lại hay tin, em vừa được bố mẹ cho đi du học, dù năm nay mới lên lớp 9.

Thi thoảng, ngang qua ngôi nhà bề thế cửa đóng then cài của cậu bé vì vắng người, tôi cứ băn khoăn: Liệu ở nơi xa xôi và lạ lẫm nào đó, cậu bé có bớt cô đơn hơn khi ở nhà - nơi em không còn khoảng riêng tư nào bởi sự bao bọc, phong tỏa kỹ càng của bố mẹ với kỳ vọng quá lớn vào đứa con trai một của mình?.

Nhật Nguyên