Triển lãm thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp Nhân dân, trong đó có các em học sinh

Những bức ảnh “biết nói”

Hình ảnh những con người bị dị dạng do hậu quả của chất độc da cam khiến bất cứ ai cũng không khỏi xót xa. Xúc động nhất là chuyện của Nguyễn Thị Mến, 21 tuổi ở Thái Bình. Bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam dioxin, Mến sống điên dại trong chiếc cũi mấy chục năm nay. Giây phút tỉnh táo nhất của Mến là khi chị nắm tay, nhận ra cha mình, ông Nguyễn Văn Hằng, người từng chiến đấu bảo vệ đường Trường Sơn và bị phơi nhiễm chất độc khai quang.

Cũng vì chất độc quái ác ấy, nhiều gia đình lâm vào tận cùng của nỗi đau. Bốn anh em Phong, Thảo, Hương, Hà ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang hay ba người con của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc ở quận 11, TP. Hồ Chí Minh đều bị ảnh hưởng chất độc da cam khiến cơ thể dị dạng, không lành lặn. Hay chị Lê Thị Hiệu, xã Bắc Sơn, Kê Văn Bắc và Pi Riu Xía, xã A Ngo (A Lưới) là thế hệ thứ hai, thứ ba phải suốt đời nằm trên giường vì chất độc da cam.

Chất độc ấy không chừa một ai, ngay cả những cựu binh Mỹ, Hàn Quốc từng tham chiến ở chiến trường Việt Nam cũng bị phơi nhiễm. Con cái của họ sinh ra cũng bị khiếm khuyết. Hình ảnh cô bé Jennifer bị dị tật cánh tay phải bẩm sinh do cha của cô – Daniel Lonny đã tham gia chiến trường Việt Nam là lời cảnh tỉnh đối với tội ác chiến tranh.

Đôi chân kỳ diệu của Phạm Thị Thùy Linh (TP. Hồ Chí Minh)

Cuộc chiến tranh hóa học kéo dài, tàn khốc đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho môi trường. Hàng triệu ha rừng bị tàn phá gây mất cân bằng sinh thái. Xem hình ảnh những làng mạc, rừng núi, sông ngòi với những rừng đước, làng dừa… trở thành sa mạc không còn sự sống, mới thấy rõ sự hủy diệt của cuộc chiến tranh hóa học.

Đối lập với những hình ảnh đau thương của thiên nhiên, con người Việt Nam là những phương tiện quân đội Mỹ đã dùng để rải vũ khí hóa học được bộ đội vô hiệu hóa thành công. Chiếc mặt nạ, thùng chiến thuật, can nhựa chứa chất độc, quả bom… được trưng bày trong triển lãm là minh chứng cho những gì chiến tranh đã gây ra với Nhân dân Việt Nam.

Đau thương là vậy, nhưng các nạn nhân chất độc da cam vẫn vượt qua nỗi đau, vượt qua khiếm khuyết cơ thể để vươn lên hòa nhập cộng đồng. Rất nhiều câu chuyện ấm áp, đầy cảm động về những con người với nghị lực phi thường và niềm lạc quan. Đó là hình ảnh cảm động của Phạm Viết Tường (Quảng Nam) đi học trên đôi chân của cha nhưng đạt học sinh giỏi nhiều năm liền. Xúc động hơn khi nhìn đôi chân kỳ diệu của em Phạm Thị Thùy Linh (TP. Hồ Chí Minh) kẹp bút màu vẽ tranh. Đôi chân ấy đã biến đứa trẻ không có tay trở thành một họa sĩ năng khiếu đầy triển vọng. Hay cặp song sinh Việt - Đức nổi tiếng năm nào, chỉ anh Đức còn sống nhưng đã không sống hoài phí... 

Những cánh rừng bị hủy diệt do chất khai quang

Xoa dịu nỗi đau

Triển lãm “Da cam – Lương tri và công lý” do Bảo tàng Binh chủng Hóa học, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức. Triển lãm giới thiệu hơn 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật liên quan đến thảm họa chất độc da cam/dioxin, được chia làm 4 phần: Thảm họa da cam - Nỗi đau da cam, Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học, hoạt động của VAVA và hành trình đi tìm công lý, những tấm gương vượt khó vươn lên.

Chỉ trong 10 năm (từ năm 1961 đến năm 1971), quân đội Mỹ đã tiến hành phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học xuống chiến trường Việt Nam. Vùng rừng núi của các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền của tỉnh Thừa Thiên Huế... là những địa phương chịu nhiều tổn thất về sức khỏe con người và môi trường sinh thái, đặc biệt là tại khu vực Ahso của huyện A Lưới…

Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học cho hay: “Cuộc chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng hậu quả tàn khốc và di chứng của chiến tranh trên đất nước Việt Nam còn nặng nề. Quân đội Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh hóa học toàn diện ở miền Nam Việt Nam. Chính nó đã gây ra thảm họa da cam ở Việt Nam với nỗi đau dai dẳng cho những người đã đi qua chiến tranh và cho cả con cháu của họ”.

Chất độc da cam dioxin đã làm cho 4,8 triệu người dân Việt Nam bị phơi nhiễm trực tiếp trong chiến tranh, trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân là trẻ em thế hệ thứ 2, thứ 3. Rất nhiều gia đình có 3 nạn nhân trở lên, có gia đình cả 15 người con đều là nạn nhân chất độc da cam. Hàng trăm nghìn người đang từng ngày, từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ, nhiều trẻ em sinh ra bị dị tật, sống đời sống thực vật... Nỗi đau này cần cộng đồng xã hội chung tay xoa dịu, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam.

Bài, ảnh: MINH HIỀN