Tự nhiên nghe mấy câu trong bài Mười năm tình cũ. Tự nhiên buồn. Chả phải nhớ tình cũ mà là nhớ một người anh mới biết được ít lâu, trong một góc Phú Xuân, ở Daklak. Hồi đó tôi đi thực tập với lớp khác (là ưu ái lắm thầy phụ trách mới chọn một nhóm 4 người lớp dưới đi cùng lớp trên). Nhóm tôi không hiểu sao được cho lủi vào một góc sâu của xã. Không biết làm gì, có thành quả nào không sau chuyến đi ấy, nhưng điều mà tôi nhớ nhất là thiếu nước tắm, sau đó là nhớ rừng và cafe sáng ở quán cóc con gái nhà bác Tâm. Cả những đêm ngủ cùng mệ Côi.

Người anh đó, tên là Thanh, một người con lai Pháp. Thanh chắc hẳn là đẹp. Nói vậy vì khi tôi ghé qua nhà, chỉ thấy một người đàn ông tiều tuỵ, tóc dài và đôi mắt buồn bã. Lúc ấy Thanh đã bị liệt một bên tay và chân. Dư chấn sau một trận cây rừng đổ vào người trong một lần phát rừng làm rẫy, mở đường cho vùng kinh tế mới. Người thương sau đó bỏ Thanh đi bặt. Làm bạn với anh, là chú chó nhỏ và tấm cửa phên luôn mở ra con đường nhỏ. Dù nó ngằn ngặt bụi.

Thanh lúc đó thường im lặng. Ghé qua mấy lần thì anh bắt đầu vài câu dè dặt. Của đáng tội là hồi ấy nếu không đi cùng bạn cùng lớp, tôi sẽ chả dám ghé qua vì trông Thanh ngại lắm. Tôi nhớ là lần thứ ba, thứ tư gì đó, đã cầm theo bấm móng tay để cắt móng tay cho Thanh. Mẹ anh bảo, lâu rồi, nó không cho bác cắt nữa. Móng tay dài ngoằng.

Ờ thì sau đó Thanh kể, giọng nghe đều như mưa về người đã bỏ anh đi, dù chả trách cứ gì người ta. Hồi đó chưa đủ để hiểu hết, nhưng tôi đã nổi gai khi nghĩ về cái buộc người ta phải chấp nhận. Người đàn ông đẹp, khoẻ mạnh và tài hoa, hát hay và chơi ghi ta cực giỏi ở Phú Xuân trước kia chỉ còn sự cam chịu. Đôi mắt màu xanh buồn như dòng sông.

Lần sau nữa, sau nữa, Thanh bảo muốn hát. Điều đó làm mẹ anh sựng lại khi đang nói điều gì đó. Thanh đã bắt đầu như thế “mười năm không gặp, tưởng tình đã cũ/mây bay bao năm tưởng mình đã quên...” Giọng anh còn yếu, nghe run, dù da diết. Cả mẹ anh, tôi và người đi cùng lặng đi khi người đàn ông ấy như thì thầm “đành nhủ lòng thôi, giã từ kỷ niệm...”

Mấy câu, rồi Thanh bỏ dở. Rồi bảo, mai em trở lại nhé, tôi muốn hát cho em nghe!

Lúc đó, thiệt là tôi sợ lắm. Sau mới thấy ngày đó, mình chíp hôi chả hiểu gì điều mà Thanh cần, là một người để chia sẻ.

Mẹ Thanh bảo, kể từ ngày đó, giờ bác mới thấy nó lại hát!

Nhưng ngày mai ấy, tôi trở lại chỉ để chào mẹ con Thanh vì đã kết thúc chuyến thực tập. Khi trở lại trường sau đó, tôi nhận được một vài lá thư. Của Thanh. Anh đọc cho ai đó viết hộ, vì nét chữ rất khác nhau. Nhớ là anh bảo đã ổn hơn rồi và đang tập luyện hàng ngày để có thể quay trở lại cuộc sống.

Thời còn chíp hôi, lơ ngơ hơn các bạn sinh viên bây giờ nhiều, nên tôi cũng quên người đàn ông ngồi nhìn ra cửa mãi ấy. Lá thư cuối cùng, anh bảo là sẽ sang Pháp. Hai cô em gái đưa anh và mẹ qua để chữa trị.

Cũng hơn 30 năm rồi. Giọng của Lệ Thu cũng khắc khoải, nhưng ánh nhìn của Thanh khi hát bài đó, mới thực sự là nỗi khắc khoải nhất tôi từng thấy.

Là buồn trĩu nhất tôi từng thấy!

MỘC TRÀ