PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế
PGS.TS. Nguyễn Quang Linh cho rằng: “Trong văn hóa và giáo dục Việt Nam, người thầy được xác định luôn có vai trò quyết định rất lớn, kể cả môi trường ĐH. Vai trò quan trọng nhất là dẫn dắt, làm gương trong cả khoa học, giáo dục lẫn nhân cách, đạo đức... Trong thời đại 4.0, vai trò người thầy ngày càng quan trọng”.
Người thầy trong thời đại 4.0 cần có những thay đổi gì với giai đoạn trước, thưa PGS?
Trong thời đại 4.0, người thầy phải thực sự có trí tuệ, hàn lâm cao. Bên cạnh đó phải có năng lực thực tiễn tốt mới dẫn dắt tốt. Trong thời đại 4.0, bản thân người thầy cần phải tiếp cận trước. Phải hiểu đó là có những cái mang tính dẫn đường và định hướng, có những cái người thầy chưa làm được nhưng sẽ tiếp lửa, hướng để người trò làm và tiến bộ hơn. Chắc chắn điều đó sẽ xảy ra vì càng về sau công nghệ càng hiện đại và tiến bộ, nếu người thầy có định hướng đúng, người trò sẽ tiếp cận nhanh.
Thay đổi theo xu hướng thời đại không phải dễ. Đây có phải là vấn đề của người thầy ở Huế không, thưa PGS?
Trong môi trường giáo dục ĐH đối với Huế, người thầy vẫn giữ được phong cách truyền thống giáo dục Huế, như: giản dị, thanh tao, điềm tĩnh. Điều đó đã tạo thành một dấu ấn trong tâm thức, văn hóa của người Cố đô.
Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt. Tôi cho rằng, đối với người thầy ở Huế, cái gì đẹp về văn hóa, truyền thống của xứ Huế và người thầy ở Huế ta nên gìn giữ và phát huy, song cần có sự cập nhật, tiếp cận và quan trọng nhất là phải tạo ra khát vọng cho sinh viên để phát triển, đó là tìm cái mới, cái lạ. Muốn vậy, trước tiên người thầy phải thay đổi tư duy. Bề ngoài vẻ đẹp hàn lâm thì bên trong phải chứa đựng tư duy sự đột phá về công nghệ và khoa học, cái này sẽ tạo tiền đề cho người trò và dẫn dắt trò phát triển tốt hơn.
Nghĩa là cần dung hòa hai yếu tố bên ngoài và bên trong?
Đúng, nhưng đây là vấn đề khó. Thực tế những người giữ chất hàn lâm thì hạn chế về tính năng động và thay đổi. Trong mọi lĩnh vực, kể cả giáo dục, cái gì ổn định, lâu dài, bền vững thì có nguy cơ thiếu sự đổi mới. Cái này không phải là vấn đề riêng của người thầy, giảng viên ở Huế mà là điểm chung nhiều cơ sở giáo dục trong nước. Thực ra, giữ ổn định về mặt giáo dục thì vấp phải tư duy khó đổi mới, khó thay đổi và như thế sẽ không phù hợp nhu cầu xã hội, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và mô hình kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng.
Giờ học của sinh viên Trường ĐH Sư phạm
Trong thời đại 4.0, môi trường giáo dục ĐH phải tạo ra sự đột phá thực sự sáng tạo. Những sáng tạo này có tính riêng biệt, tính mới chưa ai nghĩ hay chưa ai làm thì mới có khả năng thành công. Trí tuệ nhân tạo chừng mực nào đó có thể thay thế những cái lao động đơn giản, mang tính chất thao tác nghề nghiệp nhưng không thể thay thế được mối quan hệ của người lao động với sản phẩm của xã hội, tùy thuộc vào tính chất ngành nghề.
Không phủ nhận, khả năng tiếp cận của một số cán bộ, giảng viên ở Huế còn hạn chế, cụ thể là về tư duy sáng tạo, sự đột phá.
Theo PGS, điều này bắt nguồn từ nguyên nhân nào?
Ngoài nguyên nhân chủ quan từ phía cán bộ, giảng viên, tức là họ làm những cái đã có, chưa nghĩ ra những cái mới thì còn có nguyên nhân từ môi trường xã hội chưa tạo ra được động lực thúc ép để họ thay đổi hay có tư duy khác.
Nhiều người nghĩ tình cảm thầy – trò thời đại công nghệ thiếu sự gắn kết là nguyên nhân tạo ra khó khăn trên. PGS có nghĩ thế không?
Đúng là tình cảm người thầy và trò ở giảng đường ĐH giai đoạn hiện nay không được gắn kết bằng giai đoạn trước, nhưng không phải vì mối quan hệ bằng bài giảng thầy trò, buổi lên lớp mà ở ngay cuộc sống thầy trò thiếu gắn kết. Trước đây, sự gắn kết giữa thầy với trò khăng khít hơn vì bản thân người thầy chỉ tập trung cho hoạt động dạy học, nhưng hiện nay còn lo nhiều thứ, trong đó có cuộc sống riêng của họ. Bản thân người trò cũng vậy, trước đây, họ lo đi học để có kiến thức tốt từ thầy… nhưng hiện nay họ có thể có kiến thức từ nhiều nơi và nhiều lúc. Hơn nữa trò cũng có những thay đổi, chạy theo những xu hướng, trào lưu xã hội thích hưởng thụ, ít chịu khó và nghị lực như trước.
Công nghệ phát triển nhưng không thiếu môi trường gắn kết. Thay đổi lớn nhất là người trò và người thầy về sự tâm huyết với nghề nghiệp, trách nhiệm với xã hội và cả bản thân, gia đình. Nếu tâm huyết thì môi trường nào cũng gắn kết được.
Vậy theo PGS, có nên xây dựng những tiêu chí cho người thầy 4.0?
Để xác định những tiêu chí người thầy thời 4.0 thực sự rất khó. Vì lao động trí tuệ gắn với 4.0, đặc biệt trong 4.0 có cả những vấn đề về trí tuệ nhân tạo thì gắn vai trò người thầy rất khó vì không biết lấy gì mà đo. Thông thường, “thước đo” người thầy là khối lượng công việc, bằng sức sáng tạo biểu hiện bằng những xuất bản phẩm nổi tiếng, hoặc những sản phẩm công nghệ được chuyển giao cho xã hội. Hoặc là đo bằng khối lượng giờ giảng.
Nhưng với 4.0 thì không đơn giản vì khó áp dụng, không phải máy chiếu hoặc giảng dạy bằng giáo án điện tử là đủ, đó là chỉ mới cung cấp kiến thức, còn kỹ năng và năng lực là thông qua thầy có truyền cho trò. Ví dụ người thầy đi dạy, thầy biết ứng dụng công nghệ cao nhưng không có năng lực thực tiễn thì vấn đề nâng cao năng lực, kỹ năng nghề nghiệp cho người học rất khó, cả những kỹ năng mềm.
Điều mà tôi muốn đề cập ở đây là làm sao để xác định chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức người thầy để điều chỉnh phù hợp?
Nói khó nhưng phải làm được, nếu có quyết tâm của cả người sử dụng lao động và người lao động có một bộ tiêu chí rõ định lượng và lợi ích theo kết quả công việc. Hiện nay nhiều đơn vị đang triển khai, và ĐH Huế cũng đang xây dựng hệ thống tiêu chí để đánh giá theo vị trí lao động và việc làm của người lao động. Khi xây dựng tiêu chí sẽ có những nhóm tiêu chí chung và riêng.
PGS có thể chia sẻ những việc mà ĐH Huế sẽ tiến hành xung quanh những tiêu chí này?
Trước tiên phải tạo môi trường, động lực thông qua lợi ích chính đáng về mặt vật chất và tinh thần. Phải tạo ra môi trường tự chủ về chuyên môn và học thuật vì đây là đích của tự chủ ĐH, khi làm được điều này người thầy sẽ có môi trường sáng tạo tốt. Ngoài nỗ lực của các cơ sở giáo dục, quan trọng nhất là chính sách mang tầm vĩ mô của Nhà nước và Chính phủ.
Riêng ĐH Huế, hiện đang bổ sung, điều chỉnh đề án vị trí việc làm một cách bài bản, sát với tình hình thực tế giáo dục ĐH hiện nay, lồng vào việc tái cấu trúc lại ngành nghề đào tạo, tổ chức lại bộ máy tinh gọn hiệu quả, tái cấu trúc nguồn thu phù hợp và đáp ứng tự chủ về tài chính. Xây dựng lại hệ thống các tiêu chí đánh giá theo cách đánh giá mới của Nhà nước hiện nay; tăng cường vai trò và trách nhiệm trưởng đơn vị, người đứng đầu về vai trò, trách nhiệm, tinh thần gương mẫu.
Đạo đức của nhà giáo cần được coi trọng và phát huy để môi trường giáo dục ĐH thực sự là môi trường học thuật, sáng tạo nhưng phù hợp văn hoá, đạo lý của người Việt Nam trong bất kỳ hoàn cảnh kinh tế xã hội nào. Thầy phải giỏi về cả kiến thức, năng lực và kỹ năng, tâm huyết nghề nghiệp, tiếp tục thực hiện tốt nghề dạy học, dạy nghề và trang bị cả năng lực thực hành xã hội, thực sự tấm gương sáng về lối sống, nhân cách.
Xin cảm ơn PGS!
HỮU PHÚC (thực hiện)