“Con dại, cái mang”!

Theo phản ánh của ông Nguyễn Liên, Giám đốc Xí nghiệp Bê tông xây dựng Đà Nẵng (Công ty cổ phần Xây lắp điện Đà Nẵng), sau khi đơn vị lắp đặt xong phần điện chiếu sáng và điều khiển trong trạm biến áp thuộc công trình cấp điện Nhà máy xi măng Long Thọ 2 (Hương Trà) và đang hoàn thiện thủ tục để bàn giao cho chủ đầu tư thì ngày 21/4/2010, tại công trình do đơn vị quản lý xảy ra việc mất trộm dây điện. Nhờ tăng cường kiểm tra mai phục, hai hôm sau, đơn vị thi công bắt được một nhóm thiếu niên đang độ tuổi còn đi học và cư trú tại địa phương. Kiểm tra lại tài sản, đơn vị phát hiện bị mất gần 800m dây điện và dây cáp điện Cu Cavidi bị hư hỏng phải thay thế; đồng thời, thống kê giá trị thiệt hại hơn 18 triệu đồng cùng nhân công tháo dỡ và lắp đặt lại hệ thống điện là 4 triệu đồng. Như vậy, tính ra tổng cộng việc tổn thất tài sản của đơn vị hơn 22 triệu đồng.
 
Tại biên bản giải quyết vụ trộm dây điện lập sáng 4/6/2010, do trung tá Lê Đình Nghiêm - Phó Công an huyện Hương Trà - cung cấp, chúng tôi được biết: Trong tháng 4/2010, ba học sinh lớp 7 Trường THCS Hương Vân (Hương Trà), gồm: Trần Đắc Hoàng (sinh ngày 24/5/1997, ở thôn Lại Bằng, xã Hương Vân, Hương Trà), Hoàng Đức Khanh (5/6/1997, ở Long Khê, Hương Vân) và Nguyễn Lực (4/6/1996, ở Sơn Công, Hương Vân) đã nhiều lần vào trạm biến áp nói trên rồi dùng liềm, dao và gạch đập phá để cắt dây điện. Sau khi bàn bạc và thỏa thuận, các ông Hoàng Úy, Nguyễn Hùng và Trần Đắc Hùng là bố của các em nói trên cùng ông Huỳnh Văn Phối - Phó Giám đốc Xí nghiệp Bê tông xây dựng Đà Nẵng - thống nhất cách giải quyết: Trong tổng số thiệt hại, phía đơn vị chịu hơn 5,6 triệu đồng; còn các ông này sẽ bồi thường cho đơn vị 5,5 triệu đồng/người và hẹn sau một tháng sẽ trả đủ số tiền nói trên.
 
Theo khoản a, điều 6 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (VPHC) năm 2002 và sửa đổi 2007, việc các đối tượng bị xử lý VPHC do cố ý là đúng với quy định của pháp luật. Trong quá trình lập bản tự khai và biên bản VPHC đối với các em đều có người giám hộ là các ông: Hoàng Úy, Nguyễn Hùng và Trần Đắc Hùng. Tuy nhiên, với lý do hoàn cảnh khó khăn, đến nay, các ông này vẫn chưa trả đủ số tiền như đã hứa. Căn cứ biên bản trước đây đã được Công an huyện lập đối với các bên liên quan, chúng tôi đề nghị gia đình các em học sinh nói trên phải tích cực trong việc đề xuất, kiến nghị để trên cơ sở đó, Công an huyện làm việc với Xí nghiệp Bê tông xây dựng Đà Nẵng nhằm xem xét giải quyết dứt điểm.
 
Bảo đảm quyền trẻ em
 
Trong đơn thư gửi Báo Thừa Thiên Huế, các ông Hoàng Úy, Nguyễn Hùng và Trần Đắc Hùng cho rằng: Do đều là những người nông dân chân lấm tay bùn, gia đình không thể kiếm đâu ra tiền để nộp phạt cho các em; bởi vậy, họ lo lắng nếu không nộp tiền thì sắp đến, các em sẽ bị cơ quan chức năng của huyện đưa vào trại giáo dưỡng?
 
Về vấn đề này, chúng tôi nhận thấy: Theo khoản 2, điều 24 Pháp lệnh Xử lý VPHC nói trên, người chưa thành niên có hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng từ sáu tháng đến hai năm, đối với các trường hợp: Thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng, hoặc đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự (BLHS); thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm ít nghiêm trọng, hoặc tội phạm nghiêm trọng quy định tại BLHS, mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này, nhưng không có nơi cư trú nhất định. Do các em nói trên không thuộc các trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật theo quy định này, nên không thuộc các đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
 
Mặt khác, các phụ huynh còn thắc mắc: Đối với Công ước quốc tế của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em, người chưa thành niên có mất quyền trẻ em? Chúng tôi trả lời: Ngày 20/11/1989, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua Công ước quốc tế về quyền trẻ em (Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới cũng như nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn công ước này vào ngày 20/2/1990). Ngoài ra, chúng ta có chính sách hình sự và tố tụng hình sự đặc biệt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội.
 
Chẳng hạn, BLHS năm 1999 dành một chương riêng (chương X, từ điều 68 đến 77) quy định nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo đó, các biện pháp tư pháp và các hình phạt áp dụng đối với đối tượng này, chủ yếu là nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 cũng xác định thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là loại “thủ tục đặc biệt” và quy định thành chương riêng (chương XXXII, từ điều 301 đến 310).
 
Từ những phân tích ở trên cho thấy, đối với các trường hợp chưa thành niên có hành vi vi phạm pháp luật như con của các ông Hoàng Úy, Nguyễn Hùng và Trần Đắc Hùng, thì quyền lợi của các em vẫn được bảo đảm một cách đầy đủ, đúng đắn nhất và phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
 
Vĩnh Cự