Bé V. bình thường trở lại sau 3 ngày phẫu thuật
3 năm...
Trao đổi chuyện với tôi, chị H. vừa nói, thi thoảng lại sụt sùi nước mắt: "Các bác sĩ ở BV Trung ương Huế cho gia đình em niềm tin, niềm hạnh phúc mà bao năm qua giờ mới có được. Ơn này biết bao giờ trả được". Tôi nhìn gương mặt bé V. khi ngồi trong vòng tay mẹ hồn nhiên tươi vui mà mừng cho gia đình chị H.
Ba năm trước, bé V. chào đời là niềm hạnh phúc tột cùng của đôi vợ chồng trẻ làm công chức Nhà nước ở tỉnh Đắc Nông. Không ngờ những tháng ngày sau đó, hình hài bé V. khác lạ, đầu nhỏ, phần trán nhô ra như quả trứng gà, gương mặt có những đường gập gãy. So với những đứa trẻ cùng tuổi, bé V. chậm chạp, biếng ăn và cơ thể còm cõi. Nhìn con, chị H càng lo càng sợ, có lúc rơi vào trạng thái trầm cảm... Gần 36 tháng tuổi, nhưng thời gian bé V. nằm viện còn nhiều hơn ở nhà.
Từ ngày sinh bé V., vợ chồng chị H. chưa một ngày ngon giấc vì phải thường xuyên tìm cách chữa trị bệnh cho con. Khi bé V. 3 tuổi, chị đưa vào TP. Hồ Chí Minh được các bác sĩ nơi đây chẩn đoán V. mắc hội chứng Apert, hội chứng đa dị tật cực kỳ hiếm gặp. Căn bệnh này rất khó chữa trị và nếu có thể chữa, gia đình phải tốn số tiền khổng lồ, điều mà chị H. không dám tính đến.
Cuối tháng 7 vừa qua, nghe đồng nghiệp thông tin ở BV Trung ương Huế cập nhật những kỹ thuật mới, có khả năng phẫu thuật thành công các bệnh bẩm sinh, dị tật ở sọ não, vợ chồng chị H. đưa bé ra chữa trị với hy vọng con được như bao đứa trẻ bình thường khác.
Ca phẫu thuật đầu tiên ở BV Trung ương Huế
Nhập viện tại Trung tâm Điều trị Quốc tế, BV Trung ương Huế, các bác sĩ ở đây chỉ định bé V. bị bệnh dính bản sọ bẩm sinh. Một bệnh hiếm gặp, nhiều bác sĩ đã hành nghề ở đây cho biết, gần 30 năm mới gặp trường hợp bé V. là lần đầu. Bệnh này cần phẫu thuật sớm, giai đoạn thành công nhất là từ 1-3 tuổi, nếu để lâu xương sọ cứng lại, khó phẫu thuật và cơ hội thành công càng ít.
Sau khi hội chẩn, ngày 24/10 vừa qua, các bác sĩ tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình- Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (CTCH-PTTHTM), Trung tâm Điều trị Quốc tế và Khoa Ngoại thần kinh, Răng hàm mặt và Gây mê hồi sức BV Trung ương Huế; đặc biệt có chuyên gia Ngoại Thần kinh đến từ Hoa Kỳ quyết định phẫu thuật tạo hình lại hộp sọ cho bé V. Dịp này, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật mở rộng thể tích hộp sọ, giải phóng chèn ép não, sửa chữa biến dạng hình thái hộp sọ, cưa và sắp xếp lại dị dạng méo lệch vùng xương trán phía trước. Quá trình tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ rất cẩn thận, bởi phải phẫu thuật trên phạm vi rộng, gần như toàn bộ hộp sọ nên luôn phải kiểm soát cầm máu, đồng thời phối hợp gây mê hồi sức, kiểm soát tốt các chỉ số về hô hấp và huyết động.
Sau hơn 6 tiếng phẫu thuật căng thẳng và thách thức, các bác sĩ tại Trung tâm Điều trị Quốc tế và BV Trung ương Huế phẫu thuật thành công cho bé V. Chỉ 2 ngày sau phẫu thuật, bé V. ổn định, hồi phục tốt, ăn uống bình thường, vết mổ liền tốt, không có biến chứng hay tổn thương thần kinh nào được ghi nhận thấy sau phẫu thuật. Đặc biệt, bé V. có thể phát âm được tiếng "bố và mẹ" trong niềm vui khôn xiết của người thân, gia đình.
TS. Lê Thừa Trung Hậu, Trưởng khoa CTCH-PTTHTM, Phó Giám đốc Trung tâm Điều trị Quốc tế, BV Trung ương Huế, là trưởng kíp chính trong ca phẫu thuật cho bé V. cho biết, dính bản sọ bẩm sinh là một bệnh lý gây ảnh hưởng rất lớn đến chức năng thẩm mỹ, thần kinh, vận động và khả năng sống ở trẻ. Đây là dị tật rất hiếm gặp ở trẻ. Nguyên nhân do dính sớm các khớp sọ trong thời kỳ bào thai. Dị tật này đôi khi kèm với nhiều dị tật khác ở vùng hàm mặt; đặc biệt, dính bản sọ sẽ kèm với tăng áp lực nội sọ, càng kéo dài thời gian điều trị, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng thần kinh và có thể gây tử vong cho trẻ nếu không điều trị kịp thời.
Hiện nay, không nhiều cơ sở y tế tại Việt Nam thực hiện điều trị bệnh lý dính bản sọ bẩm sinh vì tính chất phức tạp cũng như điều kiện phẫu thuật. Sau ca bệnh của bé V., Trung tâm Điều trị Quốc tế, BV Trung ương Huế tiến hành thường quy phẫu thuật tạo hình cho bệnh nhi dị dạng sọ mặt...
Bài ảnh: Minh Văn