Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 10 đầu năm 2018, xuất khẩu nhóm hàng nông sản (bao gồm hàng rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su) đạt 1,41 tỷ USD, tăng 11,3% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 10 tháng lên 15,03 tỷ USD, tăng 1,75% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nông sản có dấu hiệu sụt giảm ở một loạt thị trường lớn như Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU) và Hoa Kỳ.
Trái cây là một trong những mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, tính đến cuối tháng 10/2018, xuất khẩu nhóm hàng nông sản sang Trung Quốc đạt 5,32 tỷ USD, giảm 1, 2%; sang EU đạt 2,28 tỷ USD, giảm 7,6%; sang Hoa Kỳ đạt 1,64 tỷ USD giảm 4,1%.
Thị trường có mức tăng trưởng ấn tượng nhất là Indonesia đạt 531 triệu USD, tăng 6,8 lần so với cùng kỳ năm 2017. Việc tăng trưởng cao ở thị trường này chủ yếu nhờ vào mặt hàng gạo.
Trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực có 5 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, bao gồm: rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, cao su. Đặc biệt, nhóm hàng có kim ngạch lớn nhất là rau quả với trị giá đạt 3,264 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng trưởng kim ngạch thì mặt hàng gạo đứng ở vị trí số 1 với 16,3%.
Hiện nay, trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản là ngành hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, đạt trị giá 7,238 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2018, tăng 6,2% so với cùng kỳ 2017.
Phát biểu tại Hội trường Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, tính đến hết tháng 9, kết quả tăng trưởng chung của toàn ngành đạt 3,65%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Trong 5 năm qua, tổng giá trị nông sản xuất khẩu đạt 200 tỷ USD, thặng dư là 50 tỷ USD, trong đó có 30 nhóm sản phẩm xuất khẩu từ đạt từ 1 tỷ USD trở lên.
Theo VOV