Đến dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung và Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – PGS. TS. Trần Đức Cường.

PGS. TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tại diễn đàn​

Chưa tương xứng

Với khoảng 170 công trình lớn nhỏ được trùng tu, bảo tồn với tổng đầu tư 1.500 tỷ đồng, di sản Huế có sự hồi sinh rất rõ từ tình trạng “cứu nguy khẩn cấp” sang thời kỳ “ổn định và phát triển bền vững”. Công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh là du lịch. Theo PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Huế là mô hình đặc trưng về sự kết hợp giữa địa phương – trung ương – quốc tế trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa thế giới. Ông nhấn mạnh: “Hoạt động hợp tác quốc tế của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã biến không gian văn hóa của một di sản thế giới thành “diễn đàn quốc tế” trao đổi ý tưởng sáng tạo và nhận thức mới về di sản cũng như vai trò của một “phòng thí nghiệm sống” cho việc áp dụng các phương thức và giải pháp bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích kiến trúc gỗ ở Đông Nam Á”.  

Tuy vậy, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho rằng, khả năng huy động nguồn lực đầu tư và lực lượng tư vấn, thi công còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Do đặc thù của công tác trùng tu di tích cần nhiều thời gian cho giai đoạn nghiên cứu, thám sát, khảo cổ… nên dự án thường kéo dài thời gian, trong khi các quy định liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng vẫn xem công tác trùng tu di tích không khác gì các dự án xây dựng cơ bản. Đội ngũ nghệ nhân giỏi, nắm được các bí quyết truyền thống ngày càng ít, các vật tư đặc chủng như gỗ tứ thiết, sơn ta, ngói men, vàng quỳ… ngày càng khan hiếm cũng là một trở lực đối với việc bảo tồn di sản.

Kiến giải mối quan hệ cộng sinh khá phức tạp giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch lo ngại: “Du khách tăng nhanh và tập trung tại một số điểm tham quan chính đã có những tác động tiêu cực, như: nạn viết, vẽ vô ý thức lên các công trình di tích, vấn đề an toàn cho các hiện vật trưng bày hay sự quá tải về không gian của khu di tích đối với lượng khách tập trung cùng lúc vào mùa cao điểm”.

Cũng theo ông Phúc, các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo nhưng chưa thực sự phong phú về nội dung và đồng bộ về chất lượng. Nhiều di tích được đầu tư tu bổ để trở thành điểm tham quan nhưng chưa có quy hoạch, định hướng phù hợp để đón tiếp và phục vụ du khách. Cộng đồng địa phương sống cận kề các khu di tích, di sản cũng chưa thu được nhiều lợi ích từ hoạt động du lịch do khả năng đầu tư cũng như hình thức kinh doanh còn hạn chế, thiếu định hướng và chính sách phù hợp từ các nhà quản lý của cả hai lĩnh vực du lịch và văn hóa.

Cần chiến lược đầu tư cho du lịch di sản

Khẳng định công tác bảo tồn và phục hưng di sản văn hóa Huế đã để lại nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá, trong đó có bài học về giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, TS. Phan Thanh Hải cho rằng: “Di sản phong phú của Cố đô Huế là nguồn lực cho sự phát triển. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn lực ấy như thế nào cũng là vấn đề thường xuyên gây nên các cuộc tranh luận giữa các nhà nghiên cứu và trong cộng đồng. Các giải pháp về quy hoạch với tầm nhìn lâu dài cùng cách triển khai đồng bộ, lôi kéo sự tham gia của cộng đồng cùng chính quyền từ trung ương đến cơ sở sẽ hạn chế được nhiều xung đột hay bất cập không đáng có”.

Theo đề xuất của PGS. TS Bùi Thị Tám, nguyên Trưởng Khoa Du lịch – Đại học Huế, nên mạnh dạn xây dựng cơ chế phối hợp công tư và chia sẻ lợi ích giữa các bên để đảm bảo huy động được đóng góp của các bên liên quan trong công cuộc bảo tồn các di sản thế giới ở Huế. Ngoài ra, cần có chiến lược đầu tư phát triển sản phẩm điểm đến du lịch di sản cụ thể, rõ ràng để có thể thường xuyên làm mới và nâng cao chất lượng, tạo tiền đề thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển các chương trình du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Đây cũng là cách tốt nhất để tạo các điểm nhấn thương hiệu và yếu tố cốt lõi để thay đổi ngưỡng “2 ngày lưu trú” của du khách ở Huế.

Để phát triển du lịch với nền tảng là di sản văn hóa một cách bền vững, ông Nguyễn Văn Phúc lưu ý đến tính “mong manh, dễ vỡ” của các loại hình di sản do tác động của điều kiện tự nhiên và quá trình khai thác của con người. Vì vậy, cần xác định du lịch bền vững là hướng đi cần thiết, phát triển du lịch gắn với ổn định đời sống cư dân tại các khu di sản. Ông Phúc đề nghị: “Một cách tiếp cận sáng tạo đối với phát triển du lịch di sản Huế là xã hội hóa di tích để tăng sức cạnh tranh. Cụ thể như biến cụm di tích đặc trưng thành một điểm đến du lịch thực sự. Khi bảo tồn tu bổ di tích nên có kế hoạch tái sử dụng để phát huy giá trị, có thể có những cải tạo thích nghi phù hợp trong kết cấu của di tích mà vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu, tăng cường các hoạt động trải nghiệm văn hóa cung đình…”.

Bài, ảnh: Minh Hiền