Xóa đói giảm nghèo vẫn là ưu tiên quan trọng nhất của 193 chính phủ áp dụng triển khai SDGs.. Ảnh: The ASEAN Post

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững về chấm dứt đói nghèo vào năm 2030, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc tái khẳng định thời hạn cuối cùng để đạt được mục tiêu này, nhưng cùng lúc cũng thừa nhận các nước cần “thúc đẩy hành động toàn cầu” để giải quyết những nguyên nhân của nghèo đói.

Thành quả

Có thể nói xóa đói giảm nghèo là trung tâm của chính sách phát triển trong nhiều thập kỷ qua. Trong vòng 15 năm của các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) – tiền thân của các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), tỷ lệ người dân sống trong nghèo đói – là những cá nhân có thu nhập trung bình dưới 1.90USD/ngày đã chứng kiến mức giảm đáng kể từ khoảng 27% vào năm 2000 xuống còn 9% vào năm 2017.

Thoạt nhìn, tỷ lệ giảm nghèo trong những năm đầu triển khai các mục tiêu SDGs cũng khá ấn tượng. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2018, ước tính có khoảng 83 triệu người trên toàn thế giới đã thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực. Để đạt đúng tiến trình vào năm 2030, dự kiến sẽ phải có đến 120 triệu dân thoát nghèo trong giai đoạn này.

Gốc rễ của nghèo đói và phương hướng hành động

Vừa qua, các chuyên gia đã tiến hành xem xét các nhân tố nào làm nên sự thành công trong chiến dịch giảm nghèo đói. Sử dụng những số liệu thống kê về nghèo đói ở các nước đang phát triển trong thời kỳ MDGs, các đánh giá được tiến hành với việc xem xét mức thu nhập của người nghèo có cao hơn không. Với giới hạn tối thiểu 1.25 USD và 2 USD/ngày, các chuyên gia nhận ra rằng tỷ lệ nghèo đói ở các nước thu nhập thấp có dấu hiệu giảm đi nhanh chóng.

Mặt khác, đối với một số quốc gia, kết thúc đói nghèo vẫn là một mục tiêu xa vời. Đơn cử, với tốc độ giảm nghèo hiện tại, dự kiến Mali, nơi có đến 86% người dân có mức sống dưới 1.25 USD/ngày trong năm 1990 sẽ cần thêm 31 năm nữa để loại bỏ hoàn toàn vấn đề nghèo cùng cực. Ngay cả với Ecuador, nơi chỉ có khoảng 7% dân số sống với ít hơn 1.25USD/ngày, tiến trình xóa nghèo cũng sẽ kéo dài thêm 1 thập kỷ nữa.

Thêm vào đó, yếu tố về địa lý cũng tác động rất lớn đến quá trình dịch chuyển đói nghèo. Đầu những năm 1990, mức độ nghèo đói gần như là tương đương nhau ở một số quốc gia như Nigeria, Lisotho, Madagascar, Zambia, Trung Quốc, Việt nam và Indonesia. Tuy nhiên cho đến năm 2015, khi mục tiêu phát triển thiên niên kỷ kết thúc, tỷ lệ đói nghèo ở châu Á giảm hẳn, nhưng châu Phi thì không.

Tính đến thời điểm hiện tại, nghèo cùng cực tồn tại chủ yếu ở khu vực châu Phi. Theo báo cáo Giảm nghèo và Thịnh vượng chung vào năm 2018 của Ngân hàng thế giới (WB), 27 trên 28 quốc gia nghèo nhất đều nằm trong lục địa này, đồng thời tỷ lệ nghèo đói của mỗi quốc gia đều trên 30%. Với tình trạng này, dự kiến đến năm 2030 vẫn còn hơn 300 triệu người ở khu vực châu Phi cận Sahara vẫn còn nghèo đói.

Tại khu vực này, hiệu suất kinh tế yếu kém, ảnh hưởng lớn từ xung đột, chính sách thiếu hiệu quả, phân mảng sắc tộc và những cú sốc bên ngoài đã và đang là những nguyên nhân làm tiến trình giảm nghèo ở đây trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất, gây ảnh hưởng lớn nhất đến tính hiệu quả là năng lực. Suy cho cùng, một hệ thống thể chế yếu kém không thể dẫn dắt cung cấp hàng hóa và dịch vụ công hiệu quả.

Nhìn chung, xóa đói giảm nghèo vẫn là ưu tiên quan trọng nhất của 193 chính phủ áp dụng triển khai SDGs. Để đảm bảo 725 triệu người vẫn còn sống trong cảnh nghèo đói khi các mục tiêu MDGs kết thúc có thể có cơ hội cải thiện cuộc sống, chính phủ các nước cần triển khai nhiều chương trình hành động hiệu quả. Bằng không, ngày kết thúc nghèo đói sẽ khó có thể xác định.

Đan Lê (Lược dịch từ The ASEAN Post)