Kiểm tra tăng trưởng của rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC ở Phong Mỹ (Phong Điền)

Là một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn khai hoang trồng cây keo, hộ bà Ngô Thị Kim Lệ ở xã Phong Mỹ (Phong Điền) có thâm niên hơn 15 năm trồng rừng sản xuất với diện tích kể cả khai hoang và mua lại các hộ dân đến nay 8 ha.

Với bà Lệ và nhiều hộ dân ở Phong Mỹ cũng như nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, việc nâng cao năng suất và chất lượng gỗ từ nguồn giống là chưa đủ mà cần thêm một hướng đi mới tích cực, hiệu quả hơn. Trong đó, trồng RGL là xu thế tất yếu trước yêu cầu khắt khe về chất lượng của thị trường xuất khẩu.

“Trồng RGL tuy mới mẻ đối với người dân nhưng điều ai cũng biết là hiệu quả kinh tế rất cao. Quy trình chăm sóc cơ bản giống với mô hình trồng rừng thông thường nhưng điểm khác biệt của RGL là yêu cầu phải đảm bảo chu kỳ khai thác từ 8 năm trở lên. Trong khi đó chu kỳ của mô hình trồng rừng gỗ nhỏ (RGN) chỉ 4 năm, thậm chí 3 năm có thể thu hoạch. Với RGN 4 năm khai thác chỉ đạt bình quân 85 tấn sản phẩm/ha, có giá trị từ 80-100 triệu đồng/ha. Trong khi RGL có chứng chỉ FSC với thời gian trồng 8 năm đạt trên 200 tấn sản phẩm/ha, có giá trị 250-300 triệu đồng/ha. Lợi nhuận mỗi ha RGL cao hơn 100 triệu đồng/ha so với trồng RGN”, bà Lệ hạch toán.

Điều mà người trồng rừng rất yên tâm là hầu hết diện tích RGL đều được các tổ chức, doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, không bấp bênh như trồng RGN. Hội Chủ rừng Phát triển bền vững tỉnh và các hợp tác xã lâm nghiệp bền vững (HTXLNBV) các địa phương là khâu trung gian, làm cầu nối giữa người trồng rừng và các tổ chức, doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm... Thấy được hiệu quả từ RGL có chứng chỉ FSC, nhiều hộ trồng rừng mạnh dạn đăng ký gia nhập thành viên HTXLNBV.

Ông Đặng Văn Nông, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTXLNBV Phong Mỹ thông tin, HTX vừa mới thành lập vào đầu tháng 11 với 26 thành viên gồm doanh nghiệp và các hộ gia đình với tổng diện tích rừng trồng kinh tế 362 ha, trong đó 217 ha RGL có chứng chỉ FSC. HTX được thành lập với mục tiêu đa dạng hóa các mô hình sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm nghiệp, cung cấp đầy đủ các dịch vụ cho thành viên trồng RGL nhằm tạo sản phẩm đảm bảo năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường trước yêu cầu mới.

Trước đó không lâu, HTXLNBV Hòa Lộc (Phú Lộc) cũng đã thành lập với 30 thành viên và HTXLNBV Phú Sơn (TX. Hương Thủy) thành lập với 25 thành viên; tổng diện tích rừng trồng kinh tế của hai HTX trên 700 ha, trong đó 346 ha RGL có chứng chỉ FSC. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, trên địa bàn tỉnh sẽ thành lập thêm 1-2 HTXLNBV. Các HTX có nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ phục vụ trồng RGL và làm trung gian hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Ông Võ Văn Dự, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp& Phát triển nông thôn đánh giá, qua 3 năm triển khai, mô hình RGL có chứng chỉ FSC đã thu hút nhiều hộ trồng rừng tham gia. Điều này cho thấy, người dân ý thức được lợi ích cũng như vai trò của mô hình trồng RGL, từng bước từ bỏ phương thức trồng RGN. Trồng RGL không chỉ mang lại lợi ích về mặt giá trị kinh tế mà còn góp phần đáng kể trong hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm tải quá trình sử dụng đất...

“Để phát triển trồng RGL mang lại lợi ích kép cả về kinh tế và môi trường, ngành lâm nghiệp đang có những định hướng cụ thể từ công tác quy hoạch phát triển rừng đến công tác giống cây trồng lâm nghiệp, kỹ thuật lâm sinh và những chính sách khuyến khích hỗ trợ cho các chủ rừng trong hoạt động trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn”- ông Trần Vũ Ngọc Hùng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin.

Bài, ảnh: Hoàng Triều