Quán cháo gà gần chợ An Cựu (TP. Huế) chiều cuối tuần khá đông khách nhưng đa phần là người địa phương. Họ đến không hẳn vì cháo ngon, gà bóp vừa miệng mà còn bởi cách phục vụ nhiệt tình, vui vẻ của vợ chồng chủ quán. Không còn trẻ nhưng người chồng khá hoạt bát, khách kêu đâu có đó. Bà chủ cũng miệng dạ tay múc cháo, xé bóp gà liên tục không để khách đợi lâu. Hội bạn già của người chồng đang lai rai trong quán cũng thỉnh thoảng đứng dậy bưng bê, dọn dẹp giúp để kịp phục vụ lượt khách khác.

Quán càng lúc càng đông, nhiều khách phải đứng chờ đến lượt nhưng khi có ba người khách tây đến, có đôi bạn trẻ ăn vội để nhường chỗ cho khách, mấy người bạn già của chồng chủ quán cũng muốn nhường bàn. Một khách tây nói được vài câu tiếng Việt lơ lớ từ chối và đợi. Chủ quán giải thích, hôm qua họ đã đến nhưng chỉ một người, hôm nay họ dẫn thêm bạn.

Khách tây gọi thức ăn bằng tiếng Việt, họ nói đúng món ăn và còn dùng được đũa, chắc là đã đến Việt Nam khá nhiều lần. Ăn xong họ thanh toán và đưa ngón tay cái lên trên, biểu tượng của sự yêu thích. Hình ảnh này trong tiếng Anh là biểu tượng của chữ like (thích, yêu thích…) thường được dùng nhiều trên các trang mạng xã hội như facebook.

Một khách Việt ngạc nhiên khi thấy chủ quán chỉ tính tiền bằng giá khách địa phương thì được giải thích, chị bán ở đây mấy chục năm, khách nào cũng vậy, không phân biệt tây, ta, trong tỉnh, ngoài tỉnh. Ai cũng giá đó và phục vụ như nhau. Phương châm của chủ quán khiến khách hài lòng, đó cũng là lí do những người khách phương xa quay lại lần khác và còn giới thiệu cho bạn bè, chụp ảnh quảng bá trên mạng xã hội.

Trước đó, khi đến ăn ở quán ốc đường Bà Triệu, chúng tôi cũng chứng kiến cách buôn bán có tâm như thế của chị chủ khi tính tiền cho gia đình khách tây cũng bằng giá khách địa phương. Chị chủ trẻ bảo, họ ở khách sạn gần đó và chiều nào cũng đến ăn. Người chồng còn uống thêm lon bia và cũng được tính giá 12.000 đồng như những người khách khác.

Chuyện hét giá, “chặt chém” du khách của một số hàng quán, tiểu thương ở Huế không phải thường xuyên nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra, nhất là với những hàng quán thiếu sự quản lí của cơ quan chức năng. Trừ những nhà hàng, quán ăn chuyên nghiệp có niêm yết giá, song ngữ… thì đa số quán ăn trên địa bàn, mà nhất là thức ăn đường phố bán theo mức giá đã được mặc định ngầm giữa người bán và khách. Họ đến quán ăn đã biết một tô, dĩa bình thường là bao nhiêu tiền, nghĩa là đã quá quen để không sợ bị “chặt chém”. Thế nhưng, với khách du lịch, khá nhiều người tỏ ra chưa yên tâm về giá nên khi muốn ăn bất kỳ món gì họ cũng hỏi giá trước. Điều đó phần nào đã ảnh hưởng đến niềm tin của du khách với hàng quán địa phương mà Huế không ngoại lệ. Thế nên, với những quán ăn không phân biệt khách như vừa nêu, không chỉ tạo được sự thân thiện, mến khách bằng cách kinh doanh, buôn bán uy tín, mà hơn cả là tạo được hình ảnh đẹp cho du lịch Huế, điểm đến được đánh giá là thân thiện, mến khách. Hẳn là, Huế sẽ có ngày càng nhiều hơn nữa những quán ăn, điểm kinh doanh hàng đặc sản, may đo,… giữ cách làm ăn tử tế như thế!

Linh Đan