Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33 tại Singapore. Ảnh: Xinhua

Để tiếp tục duy trì đà phát triển và khẳng định vị thế của khu vực, ASEAN đưa ra định hướng trên nhiều lĩnh vực cho tương lai. Về mặt kinh tế, ASEAN bày tỏ cam kết vững chắc sẽ duy trì một trật tự đa phương tự do, cởi mở và dựa trên quy tắc, và quyết tâm hoàn tất Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào năm 2019. Ngoài ra, để tiếp tục kết nối người dân và các thành phố, khu vực cũng thiết lập Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN với các kế hoạch hành động cho 26 thành phố thí điểm, để tạo ra các giải pháp đô thị sáng tạo nhằm cải thiện cuộc sống của người dân.

Với vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2019, trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33 vừa qua, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cam kết sẽ tăng cường hơn nữa kết nối khu vực và  kỹ thuật số để ASEAN phát triển bền vững, trong đó việc trao quyền và kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSME) thông qua tiến bộ công nghệ sẽ là vấn đề được chú trọng.

Các nhà phân tích cũng cho rằng, thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác đối thoại và đối tác phát triển quốc tế có vai trò rất quan trọng trong việc huy động cả nguồn lực tài chính và kỹ thuật để thực hiện các dự án khu vực và mục tiêu phát triển bền vững.

ASEAN nắm giữ vị trí trung tâm (ASEAN Centrality) sẽ vẫn là vấn đề then chốt đòi hỏi phải có ý chí chính trị và cam kết vững chắc từ mỗi nước ASEAN để tăng cường vai trò trung tâm của mình - cả vai trò ngoại giao và chiến lược, trong việc định hình kiến ​​trúc khu vực. Mối quan tâm về vai trò của tương lai ASEAN càng tăng lên, nhất là trong bối cảnh nhiều sự cạnh tranh như hiện tại.

Liên quan đến vấn đề phát triển bền vững, Thái Lan cho biết sẽ tạo ra Trung tâm Nghiên cứu phát triển bền vững và đối thoại ASEAN và Trung tâm Năng động và đổi mới ASEAN. Hai trung tâm này dự kiến ​​sẽ tạo ra và chia sẻ kiến ​​thức về phát triển bền vững và toàn diện.

Tuy nhiên, việc thu hẹp khoảng cách phát triển vẫn là một thách thức đối với ASEAN. Các thành viên ASEAN và các đối tác đối thoại của ASEAN cần phát triển và mở rộng cơ chế hỗ trợ của nhau, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực và xây dựng năng lực để hỗ trợ các nước CLMV, bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam để bắt kịp các nước khác trong khối, trong đó Thái Lan có vai trò quan trọng giúp kết nối chuỗi cung ứng trong khu vực Mekong.

Ngoài ra, cần xây dựng thêm sự phối hợp giữa các cơ chế ASEAN và tiểu vùng để sử dụng tốt hơn các nguồn lực và mở rộng tác động của các dự án khu vực và tiểu vùng, trong đó chú trọng đến Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ Khmertimeskh)