Du khách tham quan và trải nghiệm nghề làm gốm Phước Tích
Theo đó, quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật Làng cổ Phước Tích với quy mô diện tích 53,9 ha. Mục tiêu đặt ra là bảo tồn, phát huy giá trị di sản làng cổ Phước Tích gắn với phát triển du lịch bền vững và tạo sự kết nối, phát triển không gian kinh tế - văn hóa và xã hội. Thực hiện khoanh vùng, xác định các đặc trưng và các di tích cần bảo vệ, bảo tồn nguyên trạng hoặc bảo tồn một phần theo các yêu cầu khác nhau; định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan cho các không gian bảo tồn di tích và phát triển mới (khu vực công cộng, khu vực điểm dân cư nông thôn, khu vực hạ tầng kỹ thuật); phát triển du lịch dịch vụ gắn với lợi ích cộng đồng dân cư địa phương...
Du khách tham quan làng cổ Phước Tích
Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng chừng 45 km, làng Phước Tích nép mình bên dòng Ô Lâu hiền hòa. Hiện nay, làng Phước Tích có 117 ngôi nhà, trong đó có 24 ngôi nhà cổ có giá trị, ngôi nhà cổ nhất được dựng vào năm 1850, kế đến là ngôi nhà được dựng vào năm 1870. Hệ thống đường, cây xanh nối liền với nhau một cách tự nhiên và sinh động làm nên một vùng sinh thái độc đáo. Đặc biệt nghề gốm đã mang lại nét đặc trưng và giá trị cho làng cổ Phước Tích.
Là ngôi làng thứ hai của Việt Nam được công nhận là làng di sản cấp quốc gia, với những lợi thế về quần thể nhà rường cổ, hệ thống di tích, đình, chùa, miếu, nhà thờ, di tích văn hoá Chăm Pa... , làng cổ Phước Tích ngày nay đang trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
Tin, ảnh: Hải Huế